Bờ biển đi qua 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định có chiều dài hơn 50 km. Cách đây hơn 2 năm, dọc bờ biển này là những cánh rừng phòng hộ phi lao dày đặc, xanh tốt. Thế nhưng, bây giờ bờ biển không bóng cây, thay vào đó là những giàn khoan hút titan, ụ cát cao ngút và chi chít những hầm hố nham nhở sâu hàng chục mét.
Ô nhiễm trầm trọng
Xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là một trong những điểm nóng về khai thác titan ở tỉnh Bình Định, hiện có hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực này, chiếm 1/3 tổng số DN được cấp phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh.
“Mỗi lần nhà máy xả khói, cả khu này chìm trong bụi mịt mù. Dân tụi tui giờ khổ lắm! Tới bữa cơm, nhà ai cũng phải đóng cửa, chứ mở ra thì không thể nào ăn được vì cát và khói titan bay vào mâm cơm, nuốt không nổi” - bà Lê Thị Phẩm (thôn Hòa Hội Nam) than thở.
Giáp ranh với xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ tuy có ít doanh nghiệp hoạt động khai thác titan hơn nhưng cũng nằm trong tình trạng ô nhiễm môi trường. “Trước đây, chỉ cần chèo thuyền vài chục mét là đánh bắt được cá để sinh sống. Còn bây giờ, lặn xuống biển, thấy lớp đất bùn ngày càng dày lên, nhiều loài ốc chết xếp lớp. Đây là hậu quả của các điểm khai thác titan xả thẳng nước thải ra biển” - anh Lê Minh Hoàng (thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ) nói.
Nguy cơ xóa sổ rừng phòng hộ
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có ít nhất 3 dự án khai thác titan đang thực hiện, nằm chủ yếu ở huyện Bình Sơn. Ngoài dự án đã được cấp phép khai thác titan trên diện tích 78 ha ở xã Bình Châu, có 2 dự án khác đang khai thác titan ở xã Bình Thạnh và Bình Chánh.
Đến các điểm khai thác titan ở xã Bình Chánh hoặc thôn Trung An, xã Bình Thạnh, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hoang hóa bao trùm khắp nơi. Trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông ở điểm khai thác titan này do không còn cây chắn gió nên cát bay mù mịt. Người dân địa phương cho biết gần đây còn xuất hiện tình trạng thủy sản nuôi trong các ao hồ chết hàng loạt.
Sức khỏe người dân bị đe dọa
Theo một nghiên cứu mới đây của TS Võ Ngọc Anh (hiện đang công tác tại Bình Định) về “Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan” ở tỉnh Bình Định cho thấy quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng dẫn đến làm tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển khoáng có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác.
GS-TS Lê Khánh Phồn, nguyên trưởng Khoa Dầu khí Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết các cơ sở khai thác titan thải ra lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ rất nguy hiểm. Tiến hành đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung Bộ, các nhà khoa học kết luận vùng ô nhiễm phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép. Hầu hết nước từ quá trình tuyển khoáng cho chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào, rất độc hại cho môi trường xung quanh.
Ngoài ra, những hố titan đang khai thác hoặc sau khai thác không hoàn lấp tạo nhiều hố sâu và núi cát cao là những cái bẫy nguy hiểm cho công nhân và người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. Theo nhiều người dân ở xã Mỹ Thành, trong 5 năm qua, tại địa phương này đã có khoảng 10 người chết liên quan đến titan; trong đó có 5 người chết do rơi xuống hố khai thác titan.
Hầu hết đều có sai phạm Tính đến nay, Bình Định có 31 đơn vị được cấp giấy phép khai thác, chế biến và xuất khẩu titan với sản lượng đăng ký là 620 tấn quặng titan/năm, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Theo kết quả thanh tra gần đây của các cơ quan chức năng, phần lớn các DN có hoạt động khai thác khoáng sản titan ở Bình Định đều có sai phạm. Trong đó sai phạm phổ biến và nghiêm trọng nhất là lĩnh vực môi trường. Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt không nêu công suất, số lượng thiết bị khai thác, thời gian và sản phẩm khai thác. Đặc biệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường không đề cập việc giám sát thông số phóng xạ trong nước. |
Quản lý lỏng lẻo, Nhà nước thất thu Chúng tôi tìm đến một doanh nghiệp (DN) đang khai thác titan ở xã Mỹ Thành đặt vấn đề thu mua. Anh Nguyễn Văn T., chủ DN, hồ hởi tiếp thị: “Hiện tôi đang có 5.000 tấn titan với hàm lượng 85%, giá 2,8 triệu đồng/tấn. Nếu anh mua, tôi chỉ xuất hóa đơn với giá 2 triệu đồng/tấn thôi”. Như vậy, chỉ riêng tiền thuế GTGT với lô hàng 5.000 tấn, DN này đã “né” được 400 triệu đồng. Không chỉ vậy, việc quản lý trữ lượng khai thác titan hiện nay ở Bình Định vẫn còn nhiều bất cập, gây thất thoát một lượng tiền thuế tài nguyên không nhỏ cho ngân sách. Hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ quản lý được việc khai thác, chế biến titan của các DN qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn trên thực tế, trữ lượng họ khai thác bao nhiêu, nộp thuế cho Nhà nước có đúng với sản lượng khai thác hay không thì đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp giám sát chặt chẽ. Một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy sản lượng khai báo so với sản lượng cấp phép còn cách xa nhau rất nhiều. “Qua đây, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan ban ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát về số lượng titan đã được khai thác của các DN. Nếu số lượng titan khai thác không đủ thì ấn định tỉ lệ sản lượng cố định bằng bao nhiêu phần trăm so với sản lượng cấp phép, như 70%-80% chẳng hạn, để tránh khỏi thất thoát thuế tài nguyên” - vị này nói. Chính vì không quản lý được sản lượng khai thác của các DN nên hiện tượng xuất lậu titan thô bán ra nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Thực tế đã có nhiều vụ vận chuyển titan thô trái phép ra khỏi tỉnh bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ.
|