Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cân não chuyện voi “yêu”

(14:37:43 PM 30/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Tại kỳ họp thứ 5, HĐND khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 vào cuối năm 2012, tỉnh Đắk Lắk thông qua chính sách bảo tồn voi. Theo chính sách này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% tiền công khám và thuốc trị bệnh định kỳ cho voi, hỗ trợ 100% tiền công khám và 50% chi phí tiền thuốc trong trường hợp khám bệnh đột xuất theo đề nghị của chủ voi... Nổi bật nhất là việc Nhà nước hỗ trợ mức 200.000 đồng/ngày cho nài voi trong thời gian voi động dục, giao phối, sinh sản, nuôi con (thời gian hỗ trợ 28 tháng với nài voi cái và 30 ngày với nài voi đực).

Khi voi rừng bị săn bắt, giết hại bừa bãi và đàn voi nhà ở Đắk Lắk có thời điểm lên đến gần 1.000 cá thể nhưng nay dừng lại ở con số 51 và trong tương lai sẽ còn sụt giảm thì chính sách bảo tồn voi kể trên quả là tin vui lớn cho những ai quan tâm đến số phận của các “ông Bồ” (cách gọi voi của người Chơro-PV). Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan trong chuyện này. Điều đó đồng nghĩa với việc có dư luận cho rằng chính sách bảo tồn voi kia có để cho có, chứ chẳng thể nào cứu vớt được số phận hẩm hiu của loài thú lớn nhất rừng xanh.

 

Đi sâu tìm hiểu, PV Chuyên đề ANTG mới rõ rằng, nỗi trăn trở kia không hẳn là vô căn cứ! Điều đó bắt nguồn từ chuyện "yêu" rối rắm của những “ông Bồ”!

 

1. Không phải đợi đến bây giờ, từ năm 2009, Đắk Lắk đã xây dựng đề án bảo tồn voi (voi nhà và voi rừng-PV) giai đoạn 2010-2014. Lý do hình thành đề án được ghi rõ do Đắk Lắk là một trong số ít những địa phương ở Việt Nam còn có voi phân bố trong môi trường tự nhiên. Đặc biệt địa danh Buôn Đôn ở Đắk Lắk là nơi duy nhất ở Việt Nam có nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Do vậy voi được xem là biểu tượng, gắn liền với đời sống kinh tế xã hội, văn hóa, tinh thần của người dân Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk.

 

Thế nhưng điều đáng buồn là tuy có "vai vế" như vậy song môi trường sống của voi rừng ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân, đồng thời các cơ quan chức năng chưa có chính sách để phát triển đàn voi nhà. Chính vì vậy đề án bảo tồn voi nhận định nguy cơ tuyệt chủng của voi rừng lẫn voi nhà rất cao. Đồng thời với nó là các kinh nghiệm truyền thống trong săn bắt, thuần dưỡng, sử dụng voi nhà cũng mất dần khi các nghệ nhân đã lớn tuổi.

 

Không phải là loài thú quý hiếm duy nhất có tên trong danh mục Sách đỏ Việt Nam bởi rừng xanh còn có nhiều loài quý hiếm khác như cọp, gấu, voọc, tê tê, chim trĩ.... Nhưng trong lịch sử tồn tại của các loài thú hoang đến thời điểm hiện tại, có lẽ voi là loài duy nhất được hưởng nhiều chính sách "ưu đãi" trong công tác bảo tồn: "Sau bi kịch của loài tê giác, loài voi được đoán định sẽ tiếp nối hành trình tuyệt diệt nếu không được cứu nguy bằng các biện pháp bảo vệ quyết liệt, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, do những thay đổi lớn về điều kiện tự nhiên và tác động nhiều mặt của con người đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, môi trường sống của voi. Không những thế, công tác quản lý bảo tồn voi ở những khu vực voi còn phân bố tự nhiên vẫn chưa thực sự được đảm bảo..." - anh Nguyễn Bảo, hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ chuyên về bảo vệ sự tồn vong của các loài động vật hoang dã tại Việt Nam, phân tích.

 

Muốn “yêu” voi phải có không gian yên tĩnh. Nhưng…

 

Khoan đề cập đến chuyện bảo tồn và phát triển đàn voi rừng, chỉ riêng chuyện duy trì và cứu nguy số lượng đàn voi nhà đang ngày càng "hẻo" về số lượng, nhiều năm qua luôn là mối quan tâm bức thiết của nhiều cơ quan, tổ chức. Điều này được Đề án Bảo tồn voi chỉ rõ: "Đối với voi thuần dưỡng, do quy định nghiêm cấm việc săn bắt voi rừng nên không thể bổ sung cá thể voi nhà. Đồng thời khả năng sinh sản voi nhà rất hạn chế trong điều kiện quản lý hiện nay, dẫn đến voi nhà có tuổi cao và ngày càng suy giảm về số lượng". 

 

Nài voi Y Lul, ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chia sẻ rằng để chăm sóc, nuôi dưỡng tốt voi nhà cần có những diện tích rừng nhất định để thả voi vào ăn, kiếm cây thuốc và có không gian riêng để giao phối. Nhưng trong nhiều năm rồi, nhiều chủ voi chỉ nuôi voi bằng một số loài cây trồng như chuối, mía, điều này làm cho voi suy yếu và kém đề kháng với bệnh tật. Nên nếu voi thụ thai thì khả năng giữ được voi con cũng rất hạn chế.

 

Trong quá trình xây dựng đề án bảo tồn voi, việc làm thế nào để phát triển số lượng đàn voi rừng lẫn voi nhà được các chuyên gia vào cuộc rất tỉ mẩn thông qua việc tổ chức thảo luận với 15 gru (nghệ nhân hay dũng sĩ săn voi) ở Buôn Đôn và phỏng vấn 58 chủ voi, nài voi về kiến thức kinh nghiệm trong săn bắt, thuần dưỡng, chăm sóc, đặc biệt là chuyện liên quan đến việc sinh sản của voi. Các nghệ nhân, già làng khi được hỏi chuyện nói rằng, voi muốn sinh sản thì phải được "yêu". Mà voi chỉ "yêu" khi có không gian khoáng đãng, tách biệt. Nhưng thực tế, từng mét vuông ở rừng đầy họng súng của phường săn chực chờ nên chuyện "yêu" của voi là vấn đề nan giải.

 

Voi nhà ở Buôn Đôn hoặc quá tuổi “yêu” hoặc vì bị chủ “ngăn sông cấm chợ” nên không có cơ hội được giao phối duy trì nòi giống.

 

2. Theo các gru, xấp xỉ 10 tuổi là voi cái sẵn sàng để làm mẹ nhưng sở dĩ đàn voi nhà ở Buôn Đôn chẳng có cơ hội ấy: "Một ngày voi ăn cả tạ mía, tốn kém lắm. Nếu voi mang thai trong thời gian 2 năm, voi chẳng làm việc nặng, thời gian ấy voi không làm ra tiền mà chủ lại phải tốn tiền nuôi voi... Do vậy chủ voi rất sợ voi mang thai, nên không cho voi đực voi cái ở gần với nhau... Voi bị cấm cản “yêu” thì sao mang thai, đẻ con được" - ông Y Kông, con trai đầu của "vua săn voi" Amakông - qua đời vào ngày 3/11/2012, chua chát nói.  

 

Trò chuyện với Y Kông về chuyện "yêu" của voi hôm ấy, mới thấy  những gì mà ông nói chẳng khác mấy nội dung mà 4 năm trước, khi chúng tôi hỏi chuyện cụ Amakông về chuyện phòng the hơi bị kỳ lạ của các "ông Bồ". "Vua voi" nói với đại ý: Người “yêu” sao thì voi “yêu” như vậy. Voi chung thủy chung tình, khi “yêu” voi cuồng nhiệt, kín đáo, voi đi vào chốn rừng sâu không để ai thấy rồi mới thực hiện việc giao phối. Voi đực không thể “yêu” voi cái khi nó bị con thú hay ai đó quấy rầy. Nếu đang làm "chuyện ấy" mà phát hiện ai đó phá bĩnh, voi đực sẽ điên cuồng truy giết kẻ ấy đến chết mới thôi.

 

"Voi chung thủy lắm. Đôi voi chỉ làm chuyện vợ chồng với bạn tình của nó thôi" - đến bây giờ người viết vẫn nhớ ánh mắt hóm hỉnh của cụ Amakông khi cụ bật mí chuyện “yêu” của loài voi ở nơi thâm sơn cùng cốc.

 

- Chung thủy như thế nào, thưa cụ?

 

- Trong suốt cuộc đời, voi đực chỉ làm bạn với voi cái mà nó thương. Khi 1 trong 2 chết, con còn lại đau buồn, kêu rống, nằm phục bên xác bạn.

 

Bận ấy, “vua voi” Amakông kể rằng trước ngày thực hiện thiên chức, đôi voi sẽ quần nát một khoảng rừng, rống to suốt ngày đêm như xé toạc đại ngàn với mục đích báo hiệu cho muông thú tránh xa. Và trong thời gian voi cái mang thai, voi đực sẵn sàng đảm đương mọi việc nặng nhọc, kề cận voi cái như hình với bóng để bảo vệ “vợ” và “đứa con” nay mai sẽ chào đời của nó!

 

Voi liên tục chết vì nhiều lý do khiến đàn voi nhà ngày càng tàn lụi.

 

3. Cuộc trò chuyện giữa người viết với dũng sĩ săn voi rừng số một đất Tây Nguyên hôm nào đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự. Mới đây, ông  Y Lươm Knul, Phó chủ tịch UBND xã Krông Ana, một người cháu của "vua voi" Amakông khi được hỏi thăm về chuyện vì sao đàn voi Buôn Đôn tàn lụi cũng xoáy về những chuyện rối rắm liên quan đến lĩnh vực "yêu" của voi.

 

Ông nói rằng bên cạnh những lý do như voi chết già, voi bị kẻ ác rình rập giết hại hay bị các chủ vắt kiệt sức nhưng cho ăn uống thiếu thốn nên đau bệnh chết…, lý do chính khiến đàn voi Buôn Đôn nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung hao hụt "quân số" đến thảm hại là do voi đực và voi cái bị… ngăn sông cấm chợ: "Bên cạnh chuyện voi nghỉ làm việc khi mang thai sinh đẻ thì chủ mất nguồn thu còn có lý do theo luật xưa, vì voi như người nên khi voi “yêu” nhau, chủ voi phải làm lễ cưới tốn kém. Vì những lý do như vậy nên voi bị cấm “yêu”, voi không được gần nhau nên không có cơ hội sinh con đẻ cái duy trì nòi giống".

 

Kỳ thực, có chủ voi nhìn thấy trước tương lai ảm đạm của đàn voi nhà đã nghĩ đến giải pháp thả voi vào rừng để chúng có điều kiện gần nhau, “yêu” nhau nhưng suy đi ngẫm lại thì không dám bởi sợ voi bị phường săn sát hại để  lấy lông đuôi, ngà, da, xương… Từng xảy ra nhiều vụ voi bị kẻ ác giết hại dã man. Khoảng 10h30 ngày 24/4/2011, chú voi Back Khăm, 38 tuổi, nặng 4 tấn được nhân viên quản lý ở Khu du lịch Nam Qua (Đà Lạt, Lâm Đồng) đưa vào rừng cột lại cùng một voi cái để "yêu" nhau vào chiều hôm trước được phát hiện chết thảm cách chỗ cột ban đầu khoảng 3km với hàng chục nhát chém…

 

Trước đó, khoảng 10h sáng ngày 6/1/2011, voi Păk Cú đã chết trong khuôn viên của Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) sau hơn 2 tháng vật lộn với hàng trăm vết chém trên cơ thể…

 

Trước những vụ chém giết voi như thế và vì sợ thất thu nên một chủ voi cho rằng: Dẫu được Nhà nước hỗ trợ tiền trong quá trình voi mang thai đẻ con nhưng chẳng mấy chủ voi mong nhận khoản tiền này: "Một ngày voi cái mang thai, chủ voi được nhận 200.000 đồng, như vậy chẳng đủ mua thức ăn cho voi mà chủ lại mất khoản thu lớn, bởi một ngày voi chở khách du lịch mang về nhiều tiền hơn… Nếu chủ voi nào tâm huyết, sẵn sàng cho voi giao phối duy trì nòi giống cũng không dám thả voi vào rừng để voi được tự do “yêu” vì sợ voi bị sát hại. Mà tuổi voi như tuổi người, voi ở Buôn Đôn đều từ 40 tuổi trở lên nên chuyện sinh nở khó khăn lắm!".

 

Nghe chuyện "yêu" oái oăm của các “ông Bồ”, mặc dù rất mừng vui vì chính sách bảo tồn voi được thông qua nhưng như những gì người viết ghi nhận và đúng như âu lo của nhiều người, chính sách ấy khó có thể cứu hay giúp đàn voi nhà ở Đắk Lắk phát triển số lượng một khi không gian “yêu” của chúng không có và phần lớn voi ở Buôn Đôn đã quá tuổi “yêu” tuổi đẻ.

 

Nhân chuyện này, xin được nhắc đến kinh nghiệm phát triển số lượng đàn voi ở Sri Lanka. Theo kinh nghiệm chăm sóc, sinh sản voi tại trại voi Pinnawela ở quốc gia này được xây dựng từ năm 1975 trên khu đất trồng dừa có diện tích 10,75ha với 5 con voi mồ côi bắt tự nhiên, hiện số lượng đàn voi đã phát triển đến gần 90 cá thể và trại được xem là trung tâm bảo tồn và sinh sản của voi, là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không áp dụng mô hình này của nước bạn, Nhà nước sẽ quy hoạch một vùng rừng an toàn, sau đó thương lượng với các chủ voi mua lại voi nhà thả vào "thiên đường" này. Được như thế, voi sẽ không bị hành xác, lại có môi trường yên lành để sống, để tự do “yêu đương” và hẳn nhiên, chuyện chúng giao phối, sinh sản chẳng phải là… chuyện khó!

 

Xem ra lối mở thực sự cho chuyện voi “yêu” đã được mở, vấn đề là ai sẽ làm việc đó?

Theo CAND