Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người nghèo nông thôn và ven đô dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu

(08:08:34 AM 30/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhiều người Việt Nam, đặc biệt người nghèo nông thôn và ven đô dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu - bà Pratibha Mehta, Điều Phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo về đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” ngày 29/1 ở Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn còn những tồn tại yếu kém. Chúng ta chưa tạo được thế chủ động để ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, đe dọa đến nhiều ngành, nhiều vùng, nhiều thành phố, cộng đồng dân cư.

 

Việt Nam được đánh giá  là một  trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Băng-la-đét). Biến đổi khí hậu hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn. 

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất

 

Trong  những  năm  qua,  dưới  tác  động  của  biến  đổi  khí  hậu,  tần  suất  và cường độ  thiên  tai ngày càng gia  tăng, gây ra nhiều tổn  thất to  lớn về người,  tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

 

“Tính trung bình trong hai thập kỷ qua, thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam hằng năm gây tổn thất về người và tài sản là 457 người và 1,8 tỷ USD, chiếm 1,2% GDP”, theo bà Pratibha Mehta.

 

Chỉ  tính  trong 15 năm  trở  lại đây, các  loại  thiên  tai như: bão,  lũ,  lũ quét,  sạt  lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.


Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt là một phần đáng kể ở đồng  bằng  sông  Cửu  Long,  đồng  bằng  sông Hồng  và  các  vùng  đất  thấp  đồng bằng  ven biển  bị  ngập mặn  do  nước  biển  dâng,  tác  động  lớn  đến  sinh  trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

 

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Chính trị phân công Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên&Môi trường chuẩn bị Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” trình Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI). Đây là hội thảo lần thứ ba để lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo đề án nhằm đạt được mục tiêu có một Nghị quyết Trung ương về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường có tính khả thi cao.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày cấu trúc và những nội dung chính của đề án, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Việt Nam sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chủ động phòng tránh thiên tai; giữ chất lượng môi trường sống không bị suy giảm, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đề án cũng hướng tới tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hướng chủ đạo; chất lượng môi trường sống, cân bằng sinh thái được bảo đảm; nền kinh tế xanh, xã hội hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững tương đương với mức hiện nay của một số nước công nghiệp mới nổi trong khu vực.

 

Bà Pratibha Mehta nói Liên Hợp Quốc hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

 

“Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định xem xét một nghị quyết về hai vấn đề này sẽ  tăng cường cam kết của Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, “Với quyết tâm và sự lãnh đạo mạnh mẽ, chúng tôi hy vọng rằng việc thực hiện Nghị quyết này sẽ giúp Việt Nam chuyển sang một mô hình phát triển bền vững hơn”.

 

Nhà nước đã có những ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nghiên cứu khoa học và công nghệ về biến

 

đổi khí hậu. Bên  cạnh đó, Nhà nước cũng ưu  tiên huy động vốn vay ưu đãi và khai  thác nguồn hỗ  trợ không hoàn  lại từ các tổ chức quốc  tế và Chính phủ các nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn vốn vay và tài trợ quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu từ năm 2010 đến nay đạt trên 500 triệu USD. 

Mạnh Cường