Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công ty CP Xây dựng Thần Châu : Ăn bớt trắng trợn vật liệu làm đường

(07:22:24 AM 29/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Trước ngày thi công có 8 phuy nhựa được chuyển đến nhưng tới ngày thảm xong mặt đường vẫn còn 7 phuy

Vụ việc xảy ra tại dự án nâng cấp ngõ 100 nối đường Sài Đồng với đường Vũ Xuân Thiều trên địa bàn phường Sài Đồng, quận Long Biên - Hà Nội. Người dân ở đây đã chụp ảnh, quay clip để làm chứng cứ việc đơn vị thi công ăn bớt nguyên vật liệu.

 


Dù ngõ 100 mới nâng cấp xong chưa được 2 ngày nhưng có thể dùng tay bóc từng mảng dễ dàng

Ông Nguyễn Trọng Hoa, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố 18, phường Sài Đồng, cho biết với tư cách là thành viên ban giám sát cộng đồng của phường, ông đã phản ứng trước cách làm của đơn vị thi công. Việc thi công tiến hành từ chiều 26 đến sáng 27-1.
“Lúc ấy trời mưa nên tôi đã có ý kiến với họ rằng không thể làm được nhưng các anh ấy bảo trời mưa nhỏ, lãnh đạo vẫn cho rải nhựa, không ảnh hưởng gì đâu. Sáng 27-1, trời mưa lất phất và đường khá bẩn nhưng các tổ thi công không làm sạch mặt đường cũ mà cứ thế đổ đá dăm rồi rải nhựa lên trên, cho xe lu lăn qua lăn lại cho xong việc” - ông Hoa kể. 
Đa phần người dân sinh sống tại đây là công nhân, viên chức Công ty Đường bộ 230 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT). “30 năm là công nhân làm đường, tôi không thể tưởng tượng được việc họ trắng trợn ăn bớt công đoạn, vật liệu như thế. Theo nguyên tắc, khi nâng cấp đường cũ hư hỏng, bước đầu tiên là dùng máy xúc cào mặt đường để tạo độ nhám.
Sau đó, dùng máy thổi sạch bề mặt đường cũ và rải một lớp nhựa đường lên, rải đá dăm rồi tiếp tục rải một lớp nhựa nữa để xe lu lăn qua lăn lại tạo thành mặt đường mới”- ông Hòa phân tích và cho biết trước ngày thi công có 8 phuy nhựa được chuyển tới nhưng tới ngày thảm xong mặt đường vẫn còn 7 phuy.
Khi người dân phản ứng, một nhóm công nhân đưa ô tô tới định vận chuyển các phuy nhựa đi nhưng bị dân cản lại vì đó là bằng chứng của việc ăn bớt nguyên liệu.  “Đường thế này thì xe tải trọng nặng một chút đi lại vài bữa là bung hết ngay” - một người dân bức xúc.

Ông Hoa còn cho biết ngay khi phát hiện sự việc, hàng chục công nhân đường bộ nghỉ hưu về sống ở đây đã phản ứng dữ dội. Thế nhưng, nhiều lần gọi điện cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của công trình đều không được, hỏi cán bộ giám sát thì được trả lời là không biết gói thầu này của ai, chủ đầu tư là đơn vị nào.

Chủ tịch UBND phường Sài Đồng Lương Hồng Lân nói đã nhận được phản ánh từ phía người dân nhưng do không có cán bộ chuyên môn nên chỉ mới yêu cầu đơn vị thi công giám sát kiểm tra. Ông Lân cũng nói rõ chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án quận Long Biên và công trình có tổng mức đầu tư khoảng 6-7 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước. Trao đổi với phóng viên vào chiều 28-1,ông Phạm Bạch Đằng, Chánh Văn phòng UBND quận Long Biên, nói quận chưa nắm được sự việc nên sẽ yêu cầu chủ đầu tư báo cáo ngay.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Thần Châu (đơn vị thi công) phân trần vào thời điểm thi công, trời mưa nên phải rải một lớp nhựa xuống dưới mặt đường cũ, sau một thời gian, lớp nhựa đó sẽ bám dính vào kết cấu mặt đường cũ. Giải thích về việc vì sao dùng tay là có thể dễ dàng bóc lớp nhựa mặt đường mới rải, vị này nói vì nhựa chưa “chết”.

 

Lo cho quỹ bảo trì đường bộ

Theo quy định về việc đóng phí bảo trì đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013), sắp tới HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua mức thu phí đối với xe máy trên địa bàn. Theo đó, mức thu sẽ nằm trong khoảng từ 50.000 - 150.000 đồng/xe/năm. Theo quy định, địa phương giữ lại số tiền thu được để phục vụ việc bảo trì, sửa chữa đường bộ. Ngay khi việc ăn bớt vật liệu làm đường xảy ra ở phường Sài Đồng, nhiều người dân ở đây bày tỏ lo lắng về việc khoản tiền đóng phí bảo trì đường bộ liệu có được dùng đúng mục đích? “Cứ ăn bớt như thế này thì chả mấy chốc mà đường lành lại hỏng, rồi lại xin tiền để sửa chữa. Thế thì tiền dân đóng bao nhiêu cho đủ” - một người dân nói.

 
Theo NLĐ