Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam và Đức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề

(14:31:30 PM 28/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 27/1/2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước sự chứng kiến của Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Jutta Frasch, Giám đốc điều hành của công ty Bosch Việt Nam và Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lilama 2 đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề.

Công ty Bosch Việt Nam và Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lilama 2 đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề ngày 27/1/2013 tại TPHCM

 

Theo đó, trong năm học đầu tiên 30 học viên ngành cơ khí công nghiệp sẽ được đào tạo theo mô hình dạy nghề song hành của Đức. Dự kiến chương trình này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm học tiếp theo. Cũng theo thỏa thuận trên, trường Cao đẳng nghề Lilama2 sẽ đào tạo phần lý thuyết cơ bản còn Bosch Việt Nam sẽ đào tạo phần thực hành tại chính nhà máy của công ty. Qua đó, các học viên sẽ sớm được làm quen với môi trường làm việc trong tương lai cũng như được đào tạo, thực hành ngay tại các vị trí mà họ sẽ làm việc sau này.

 

Đến nay, Chính phủ Đức đã cam kết viện trợ cho trường Cao đẳng nghề Lilama2 hai mươi triệu đô la Mỹ từ nguồn hợp tác kỹ thuật (GIZ – Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức) và nguồn hợp tác tài chính (KfW – Ngân hàng tái thiết Đức).

 

Trong bài phát biểu tại lễ ký kết Đại sứ Frasch đã chúc mừng thoả thuận hợp tác mà hai bên đạt được và hi vọng sẽ có thêm nhiều các dự án hợp tác phát triển tương tự trong tương lai. Đại sứ nhận định kinh nghiệm thực hành trong nhà máy là yếu tố không thể tách rời trong một chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước của mình.

 

Nước Đức là một trong các đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trong khuôn khổ hợp tác phát triển, Đức đã hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở nhiều địa phương, đào tạo mỗi năm khoảng 10.000 lao động lành nghề. Các cơ sở dạy nghề này được hỗ trợ soạn thảo giáo trình đào tạo phù hợp với các tiêu chuẩn thống nhất cũng như nhu cầu của thị trường lao động thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nâng cao dành cho giáo viên dạy nghề.

 

Lực lượng lao động lành nghề là một điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Vì vậy nước Đức đã tăng cường hơn nữa nỗ lực của mình trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp tư nhân cũng được kêu gọi tham gia vào quá trình đào tạo lao động gắn với nhu cầu thị trường. Phía Đức đã sẵn sàng ký kết một Biên bản ghi nhớ về việc tham gia của các công ty Đức vào quá trình đào tạo nghề tại Việt Nam.

 

Thông qua các dự án này mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam ngày càng hiện diện rõ nét hơn. Một dự án Hải Đăng khác trong mối quan hệ chiến lược này là kế hoạch xây dựng Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hi vọng rằng dự án này sẽ sớm trở thành hiện thực trong nay mai.

BTV