Theo Địa chí Phú Yên, Lê Thành Phương có tổ tiên ở Thanh Hóa. Cha ông là Lê Thanh Cao cùng hai người em rời quê hương vào định cư ở Phú Yên. Cả 3 anh em đều học giỏi và đỗ đạt. Lê Thành Cao đậu cử nhân nho học được triều đình cử làm chức Đốc học ở kinh đô Phú Xuân (Huế). Người em kế là Lê Thành Ba được triều đình bổ làm quan án sát dinh Phú Yên. Người em út không rõ tên cũng đỗ cử nhân nhưng từ chối chốn quan trường, ở lại Phú Yên thay mặt hai anh trông coi dòng họ.
Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp). Ông là con thứ 6 trong số 8 người con của ông Lê Thanh Cao và bà Nguyễn Thị Minh. Lúc nhỏ, Lê Thành Phương được cha đưa ra học ở Phú Xuân. Năm 32 tuổi, ông đỗ Tú tài và được nhân dân địa phương gọi là Tú Phương. Dù được bổ nhiệm làm quan trong bộ máy hành chính ở Phú Yên nhưng Lê Thành Phương từ chối về nhà dạy học, đi thăm thú nhiều nơi và tìm cách kết giao nhiều sĩ phu yêu nước trong và ngoài tỉnh.
|
Theo cuốn Danh nhân Lê Thành Phương (Bảo tàng Phú Yên xuất bản năm 1997), cuộc đời của Lê Thành Phương bắt đầu thay đổi khi ông gặp Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Quang Bích vào tháng 8.1861 tại đình làng Phong Phú (tổng Xuân Vinh) trong chuyến vào Nam chỉ đạo việc phòng thủ chống Pháp ở các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú và chuẩn bị khôi phục lại Biên Hòa bị rơi vào tay Pháp. Từ đó, ông bắt đầu tập hợp lực lượng, chuẩn bị hưởng ứng kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.
Tháng 8.1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương làm bài hịch chiêu quân đọc trước ba quân tướng sĩ tại núi Một (làng Tân An, tổng Xuân Vinh). Bài hịch dài, có đoạn: Hỡi chư tướng/Hỡi sĩ dân/Đồng tâm đứng cả dậy/Đồng tâm giết giặc... Tinh thần của Lê Thành Phương được toàn thể giới quan lại, giới sĩ phu cùng các nghĩa sĩ đồng lòng và tôn ông làm Thống soái bình Tây.
Trong thư gửi thống đốc Nam kỳ, công sứ Phú Yên là Tirant thừa nhận Lê Thành Phương là “người chỉ huy chính những văn thân Phú Yên, một người dũng cảm và có nghị lực thực sự, quê quán ở làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh...; vùng này là trung tâm hoạt động của ông, ở đó ông đã đắp thành lũy để phòng thủ với một sự thông minh hiếm có…”.
Thà chết không chịu nhục
Cuối tháng 8.1885, Lê Thành Phương ra lệnh thống tướng Bùi Đáng đưa nghĩa quân Phú Yên phối hợp với thống chế Bùi Điền (quân thứ Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tiến ra Quảng Ngãi đánh Nguyễn Thân, mở đường liên lạc với phong trào Cần Vương Bắc Trung kỳ. Đạo quân thứ hai của Phú Yên do Bùi Giảng chỉ huy được lệnh tiến qua Khánh Hòa vào Bình Thuận, mở đường liên kết với phong trào Cần Vương các tỉnh Nam Trung kỳ.
Đầu năm 1886, nghĩa quân đã đập tan cứ điểm lớn nhất của địch và giải phóng hoàn toàn Phú Yên. Sau sự kiện này, vua Hàm Nghi phong Lê Thành Phương làm Thống soái quân vụ đại thần và trao cho ông thống hạt toàn quyền vùng Nam Trung bộ, có nhiệm vụ giải phóng các tỉnh còn lại ở khu vực và mở đường vào Nam kỳ.
Từ tháng 7.1886, thực dân Pháp mở chiến dịch lớn tấn công ra Nam Trung bộ, chúng tập trung đánh vào tổng Xuân Vinh, nơi Lê Thành Phương chỉ huy. Trong tình thế quân số thương vong nhiều, vũ khí hư hỏng nặng, Lê Thành Phương cho quân thoát khỏi tầm truy kích của giặc và rút về đóng tại vùng núi Vân Hòa, chờ tiếp thêm lực lượng từ Bình Định do Mai Xuân Thưởng chỉ huy đánh vào và quân ở Tây nguyên tiến xuống.
Trong lúc đang chờ thời cơ, ngày 14.2.1887, Lê Thành Phương một mình về Tuy Hòa chuẩn bị kế hoạch phản công chiếm lại đồng bằng thì bị tay chân của tên Việt gian Trần Bá Lộc bắt giam. Dụ dỗ, tra tấn không lay được ý chí của Lê Thành Phương, chúng giam ông vào ngục tối và sau đó kết án tử hình.
Cuốn Danh nhân Lê Thành Phương ghi lại rằng, ngày 20.2.1887 (nhằm ngày 28 tháng giêng năm Đinh Hợi), địch dẫn ông lên bến đò Cây Dừa (thuộc thôn Bình Hòa, xã An Dân, H.Tuy An ngày nay) để tử hình. Trước khi hành hình, địch lại dụ dỗ ông một lần nữa nhưng bất thành. Ở pháp trường, Lê Thành Phương dõng dạc nói: “Ta chỉ tiếc cho lũ thủ hạ của ta nhiều đứa là dê chó làm hỏng việc lớn. Ngày nay chúng bay giết ta thì ngày mai đồng bào ta sẽ lấy đầu chúng bay”.
Nói xong, ông ung dung ngâm to bài thơ Tuyệt mệnh tổng kết cuộc đời chiến đầu của mình. Tương truyền rằng, đêm trước ông đã thao thức ngâm đi ngâm lại bài thơ này như nhắn nhủ đồng bào hãy nuôi chí giữ non sông. Bài thơ có câu: Thể xác ta dù mất nhưng tinh thần thì chẳng mất/Sẽ mãi mãi tưởng đến các cuộc nổi dậy sau này... Thấy vậy, tên tay sai Trần Bá Lộc tức giận ra lệnh đao phủ nhanh chóng hành hình, Lê Thành Phương chỉ kịp nói to mấy tiếng “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chết, không chịu nhục) rồi bị chém. Lê Thành Phương mất, thi hài của ông được nhân dân mang về an táng tại quê nhà trên núi Đá Trắng, cạnh đèo Quán Cau ngày nay.