Ông Trần Trinh Đức
Bức xúc trước những thông tin không đúng sự thật này, ông Trần Trinh Đức đã lên tiếng trần tình. Ông Đức cho biết chuyện mình thất nghiệp là có thật vì Khu Du lịch sinh thái Hồ Nam giảm nhân sự.
Tuy nhiên, chuyện các báo cho rằng: “Hằng ngày, ông ra ngồi tại nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu - nhà cũ của mình - để uống cà phê. Những người quen biết hay du khách đến tham quan nhà Công tử Bạc Liêu gặp ông bắt tay, cùng uống nước và… trả tiền giùm ông. Có người thơm thảo thì tặng vài trăm ngàn đồng gọi là sau khi nhận từ ông cuốn sách viết về cha mình”, theo ông Đức, là hạ thấp danh dự của ông. Ông Đức chỉ tặng sách cho những người quen biết, ai “điệu nghệ” thì đưa một khoản gọi là tiền công, tiền photocopy chứ ông không đòi hỏi.
Theo ông Đức, chuyện sáng nào ông cũng đến nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu để uống cà phê chỉ là thói quen. Bởi, vừa uống cà phê, ông vừa hồi tưởng quá khứ, những kỷ niệm ngày xưa ở ngôi nhà lớn gắn liền với tuổi thơ của mình và người cha Trần Trinh Huy - vốn nổi tiếng với danh hiệu Công tử Bạc Liêu. Một buổi sáng, khi uống cà phê tại nhà hàng khách sạn này, ông Đức gặp vài nhà báo. Ông thành thật trình bày hoàn cảnh hiện tại của mình là không có việc làm rồi chuyện vãn với họ hồi lâu.
Trong câu chuyện, ông Đức có nói ước mơ của mình là khi nào có tiền sẽ đi tìm người nhà của ông Nguyên Hùng, tác giả cuốn tiểu thuyết Công tử Bạc Liêu, để xin mua lại bản quyền cuốn sách. Mục đích của ông là để in sách viết về cha mình bán cho khách du lịch kiếm sống.
Theo ông Đức, không biết các nhà báo nghe thế nào mà lại viết rằng: “Dẫu mất việc làm, thời gian tới chưa biết làm gì nhưng ông Trần Trinh Đức vẫn chưa thôi ước mơ. Ông Đức dự định sẽ làm có tiền kha khá để đòi lại thương hiệu Công tử Bạc Liêu, sau đó lấy thương hiệu này bán kiếm tiền sống vào những ngày cuối đời! Nghe ông nói thấy vừa giận vừa thương. Ông Đức không hiểu hay cố tình không hiểu rằng thương hiệu Công tử Bạc Liêu đã được Tỉnh ủy Bạc Liêu đăng ký từ lâu và Công tử, hay Bạc Liêu đâu phải là sở hữu của một cá nhân nào, dẫu rằng ông là con trai của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy”... Ông Đức khẳng định ông không hề phát biểu như thế.
Trước đây, tên ông Đức cũng xuất hiện thường xuyên trên nhiều trang báo với những phát biểu gây sốc, như: Con trai Công tử Bạc Liêu bình luận ván cờ trị giá 5 tỉ của đại gia Sáu Lèo, Con trai Công tử Bạc Liêu về quê đòi nhà… “Thật tình, tôi có nói gì đâu mà các báo lại lấy tên tôi để gắn cho những câu nói gây mất lòng đó?! Tôi có biết ông Sáu Lèo là ai đâu mà bình luận chuyện của ông ấy? Nói kiểu đó, gia đình người ta lại kêu tên họ tôi ra chửi nữa” - ông Đức nói như mếu.
Ông Đức cho biết dù vậy, hiện ông cũng rất phấn khởi khi hay tin sắp tới, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện cho ông có một căn nhà trong khu dân cư phường 5- TP Bạc Liêu để vào ở trước Tết Quý Tỵ 2013. Theo ông Đức, là một người con tha phương nay trở về với quê cha đất tổ, ông được người dân và chính quyền địa phương đối đãi rất chân tình.
Ước mơ lớn nhất của ông Đức là có một chỗ để an cư, chăm lo cho vợ và người con gái bị bệnh động kinh trong tuổi xế chiều. Ông cũng không nguôi ngoai ý định khi có tiền sẽ tìm gặp người nhà của nhà văn Nguyên Hùng xin mua lại bản quyền tiểu thuyết Công tử Bạc Liêu để in sách bán kiếm sống, chứ không phải “đòi lại thương hiệu” như nhiều báo đã thông tin.