Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quảng Nam, nằm ở trung tâm dải miền Trung, là nơi chịu nhiều thiên tai trong đó thiên tai liên quan đến dòng chảy như lũ lụt và hạn hán được xếp hàng đầu về phạm vi ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng, và số lần xuất hiện.
Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, trong năm năm gần đây, lũ lụt có xu hướng ngày càng gia tăng do lượng mưa lớn và tập trung; rừng đầu nguồn bị thu hẹp; dòng chảy thoát nước ra biển ngày càng bị hạn chế do có nhiều công trình xây dựng dọc theo bờ sông.
Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phong phú nhưng do phân bố không đều theo không gian và thời gian dẫn đến hạn hán trong mùa khô, lũ lớn kèm theo ngập lũ trong mùa mưa gây nên những tổn thất to lớn cả về người và của đồng thời gây ô nhiễm môi trường.
Do hệ thống sông ở Quảng Nam không có đê nên khi có lũ trên sông ở mức báo động cấp II, nước lũ bắt đầu tràn bờ vào vùng đồng bằng và khu dân cư gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Do lũ lụt ngày càng gia tăng nên mức độ sạt lở cũng có xu hướng ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa, tài sản và phá hủy các công trình phúc lợi ven biển.
Theo thống kê, từ năm 1952 trở lại đây, tỉnh Quảng Nam ghi nhận bốn năm hạn hán nặng nhất gồm các năm 1952, 1969, 1993, và 1998. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hạn hán ở vùng này xảy ra liên tiếp với mức độ khác nhau gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp.
Theo Viện Phát triển Bền vững Vùng Nam Bộ, trong 10 năm qua, bão, lốc, sét đã làm 548 người thiệt mạng, 33 người mất tích, và hơn 1.430 người bị thương ở Quảng Nam. Số người vị chết và bị thương nhiều nhất là các năm 1990 và 2006.
Theo Ths. Hoàng Lưu Thu Thủy, trong 29 năm qua (1980 - 2008) có 72 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến vùng bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên, trung bình mỗi năm có 2,5 cơn.
TS Nguyễn Đức Cường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường) dẫn theo số liệu cho thấy lượng mưa năm của Việt Nam vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980 – 1999. Ở các vùng khí hậu phía Bắc, mức tăng lượng mưa nhiều hơn so với các vùng khí hậu phía Nam.
Trong khi đó, nhiệt độ mùa đông có thể tăng nhanh hơn so với mùa hè ở tất cả các vùng khí hậu. Nhiệt độ các vùng khí hậu phía Bắc có thể tăng nhanh hơn so với các vùng khí hậu phía Nam.
Cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng 2,6 độ C ở Tây Bắc, 2,5 độ C ở Đông Bắc, 2,4 độ C ở Đồng bằng Bắc Bộ, 2,8 độ C ở Bắc Trung Bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung Bộ, 1,6 độ ở Tây Nguyên và 2,0 độ C ở Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999.