Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ xung quanh "nghi án" "Chạy công chức mất không dưới 100 triệu đồng" và kết quả kiểm tra tuyển dụng công chức rất "sạch" mới đây.
PV: Sở Nội vụ TP Hà Nội vừa công bố kết quả kiểm tra tuyển dụng công chức tại một số quận, huyện… Theo đó, đến ngày 4/1 chưa phát hiện trường hợp nào đưa và nhận tiền để chạy công chức. Ông đánh giá thế nào về kết luận này?
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Ông Trần Quốc Thuận: Tôi có theo dõi việc này và dư luận có nói là vừa mừng, vừa buồn. Là một cán bộ về hưu, tôi chia sẻ với ý kiến đó. Mừng vì thứ nhất đó là một người có chức có quyền như ông Dực phát biểu một cách công khai giữa kỳ họp của HĐND được báo chí hoan nghênh. Có người nói là mừng hụt vì khi điều tra thì không phát hiện được trường hợp nào vi phạm như ông Dực đã nói. Có người nói buồn là bởi vì người ta không quyết tâm tìm ra như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Trung ương 6.
Câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao không có gì hết? Có nguyên nhân đấy.
Bình thường, ở các địa phương, có vấn đề gì thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu là người đầy quyền lực, có thể chỉ cần gọi điện thoại nói nhỏ là “không nên tìm ra, nếu tìm ra, bọn bây chết hết, tao cũng chết theo” thì ngay lập tức việc điều tra tiêu cực sẽ chẳng đi đến đâu. Đó là một sự thoả thuận ngầm với nhau.
Đây là mặt tiêu cực của cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm. Cụ thể là nếu người đứng đầu mà càng khui ra nhiều tiêu cực thì càng phải chịu trách nhiệm nên việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tiêu cực chẳng thể đạt hiệu quả cao. Nếu thay đổi cơ chế thì mới có thể tìm ra được tiêu cực này. Vụ Watergate ở bên Mỹ như vậy mà họ còn tìm được ra.
Tôi cũng băn khoăn, không biết ông Trần Trọng Dực có bị kiểm điểm gì không bởi điều mà ông nói ra, không phải vị lãnh đạo cao cấp nào hơn ông ấy dám nói.
PV: Vậy theo ông, tại sao bấy lâu nay dư luận vẫn "râm ran" chuyện chạy công chức 100 triệu mà nay Sở Nội vụ TP Hà Nội lại kết luận là không tìm được ra?
Ông Trần Quốc Thuận: Tôi đã nói rồi, không tìm ra là có nguyên nhân của nó. Một trong những nguyên nhân lớn đó là cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm…
“Nguy cơ của các nguy cơ”
PV: Nhưng rốt cuộc, “phí” chạy công chức là 100 hay 200 triệu hoặc nhiều hơn thế cũng chỉ là các con số. Điều đau đớn hơn, bộ máy công quyền đã tuyển dụng những người thiếu tài, thiếu đức…
Ông Trần Quốc Thuận: Đó là nguy cơ của các nguy cơ. Tại sao không chống tham nhũng một cách hiệu quả? Tại sao nhiều mặt xã hội xuống cấp? Tại sao người ta không tin nhau? Đó là do pháp luật. Người ta thường nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Từ cổ chí kim, khi pháp luật không minh bạch, công khai thì nhất định sẽ loạn. Thời phong kiến, trong gia tộc của vua mà có người không ra gì, có xu hướng gây loạn thì cũng chém. Chém không phải là vì họ không thương mà chém là để bảo vệ vương triều của họ. Nếu bây giờ mình không “chém” thì đó là biểu hiện của sự suy vong. Không lẽ chúng ta thua chế độ phong kiến?
PV: Dư luận đang dấy lên ý kiến, cần phải có cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, để những phản ánh đầy tâm huyết của ông Trần Trọng Dực không rơi vào thinh lặng…
Ông Trần Quốc Thuận: Đó là một ý kiến hay nhưng… chúng ta không thể đi bắt hết ruồi, hết muỗi trong khi vẫn để môi trường ẩm thấp kể cả khi đã bắt ruồi chúa… Vấn đề ở đây là môi trường và nếu chúng ta xử lý môi trường tốt, tất nhiên sẽ ít ruồi muỗi và thậm chí là không có.
Trở lại vấn đề chống tiêu cực và điều tra vụ chạy công chức 100 triệu, vấn đề là ở thể chế. Nếu chúng ta tạo ra “môi trường tốt” thì sẽ giảm tham nhũng đi ngay.
PV: Thưa ông, từ “môi trường tốt” ở đây có phải là chế độ tiền lương cao để các cán bộ có chức có quyền không còn muốn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền?
Ông Trần Quốc Thuận: Tôi hoàn toàn không ủng hộ như vậy. Không phải là do lương thấp mà các cán bộ nội vụ đi nhận tiền để “chạy” công chức như dư luận nói. Kể cả khi lương cao thì những cán bộ đó cũng có thể “ăn” dữ hơn. Lòng tham của con người là vô hạn. Vấn đề ở đây là đạo đức của cán bộ và cách điều hành. Trong đó, sinh ra nhiều hay ít cán bộ thoái hoá, biến chất như vậy là do cách điều hành. Tôi đã thấy ai lương thấp mà từ chức đâu, mà lương thấp thì tại sao còn phải bỏ tiền ra để “chạy” công chức?
Ngoài ra, chúng ta phải tiếp tục tăng cường dân chủ, công khai, tự do báo chí, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh thì mới có thể giảm thiểu những hiện tượng như vậy. Đừng bao giờ nói vì lương thấp mà đi tham nhũng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!