Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó Giám đốc Trung tâm Phòng tránh&Giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi Bùi Đức Thái cho biết, mô hình này dùng máy tính để mô phỏng tình trạng lũ lụt trên các lưu vực sông, mục đích tạo ra một công cụ kiểm tra các phương án quản lý đồng bằng ngập lũ.
Hệ thống này đã được triển khai thành công trên nhiều lưu vực sông Trà Bồng, Trà Khúc, Song Vệ và Trà Câu. Mô hình còn dùng để kiểm tra tác động của những phát triển trong tương lai đến tình trạng ngập lụt.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Phòng tránh&Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia, nhận định, đây là mô hình rất hiệu quả, Quảng Ngãi đã đi trước một bước xây dựng mô hình quản lý vùng đồng bằng ngập lũ, mô hình được đánh giá rất cao. Hầu hết lãnh đạo các địa phương, đơn vị ở Quảng Ngãi và các cộng đồng đã được tham vấn đều tin tưởng đối với mô hình này.
Quảng Nam hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề về lũ trên các sông lớn như sông Vu Gia, sông Thu Bồn. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và trang bị bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động.
Với bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động, mức độ ngập lụt chỉ đến báo động 3 là đã có bản đồ tương ứng và từ đó tăng dần rất dễ đọc và chuẩn bị phòng chống, di dời. Như thế, sẽ tránh được nhiều thiệt hại về người và của do lũ gây ra.
Tin thông báo lũ từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Tỉnh Quảng Ngãi là theo các cấp báo động, còn bản đồ ngập lũ lại theo tần suất. Việc xây dựng bản đồ vùng ngập lũ theo các cấp báo động đã xóa đi sự "lệch pha" này.
Chi cục TL-PCLB&QLĐĐ đã đi kiểm tra tổng quát về tình hình xây dựng cơ bản như đường sá, các tuyến kênh mương, hồ đập... trên vùng đồng bằng ngập lũ để việc xây dựng bản đồ được chính xác hơn. Hiện 16 xã được cung cấp và tập huấn sử dụng bản đồ vùng ngập lũ mới.
Từ những mô phỏng dưới dạng bản đồ, Ban Chỉ huy Phòng tránh Lụt bão có thể xác định được tình hình diễn biến lũ ở các cấp độ như tính khốc liệt, độ sâu, tốc độ, cường suất và thời gian. Ngoài ra còn nhận biết được địa hình để di dân, hoặc số lượng dân có nguy cơ bị đe dọa. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra biện pháp phòng chống, dự báo, cảnh báo và lên kế hoạch di dời dân theo từng cấp độ nguy hiểm.
Dự báo mức độ ngập lụt không còn là việc của riêng ngành khí tượng thủy văn khi mà cán bộ cấp xã cũng có thể làm được khi có bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động, bởi đây là cơ sở quan trọng để xác định phạm vi dòng chảy của lũ, từ đó có biện pháp ứng phó.
Với bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động, cán bộ cấp xã khi nghe thông báo lũ, chẳng hạn nước sông Trà khúc lên báo động 3, cũng có thể xác định được nơi nào bị ngập và ngập khoảng bao nhiêu mét. Trên bản đồ có các màu tương ứng để biết mức độ ngập sâu ở các nơi.
Màu vàng là từ 0,0-0,5m (độ ngập), màu xanh lá cây nhạt là từ 0,5 - 1,0m, màu xanh lá cây đậm là từ 1 -1,5m, màu xanh da trời là từ 1,5 -2m, màu tím là >2m. Khi nghe thông báo cấp báo động nước sông ở địa phương mình, nhìn vào màu sắc trên bản đồ, người xem dễ dàng hiểu được độ sâu và phạm vi ngập lụt của từng vùng. Cán bộ địa phương xác định được địa điểm ngập lụt để triển khai nhanh công tác ứng phó, cứu nạn kịp thời.
Hiện mô hình đang là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý rủi ro thiên tai lũ, lụt và quản lý phát triển cơ sở hạ tầng trong các vùng đồng bằng ngập lũ ở Quảng Ngãi. Mô hình hiện đang nghiên cứu triển khai rộng ra các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam).
Các tỉnh này đều đang triển khai Dự án Quản lý rủi ro thiên tai được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một khuôn khổ toàn diện về quản lý rủi ro thiên tai.