Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
NSND.GS.TS Đình Quang, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật, 86 tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá –Thông tin (Bộ VHTT) có nhiều cống hiến và đóng góp cho nền văn hoá đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, được gọi là nhà văn hoá, nhà quản lý, nhà giáo, nhà lý luận phê bình đều chính danh cả nhưng mỗi nhà riêng của ông là kết quả một đời dành dụm vẫn chưa được là chính chủ.
1. Chuyện “chính chủ” đang vướng bởi những “dích dắc” trong đời sống thường nhật. Mong muốn có sổ đỏ của bao người, trong đó có GS Đình Quang cùng 7 hộ gia đình khác đang sống tại ngõ 58 phường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) thật muôn nỗi cam go.
Hơn 20 năm trước, NSND Đình Quang ngày ấy đang là Thứ trưởng Bộ VHTT phụ trách khối văn nghệ. Bản thân ông không để ý đến chuyện nhà cửa miễn là “có chỗ tiếp khách, có chỗ để đặt cái bàn làm việc và chiếc giường để ngả lưng” trong căn hộ 28m2 thuê của nhà nước ở tầng hai khu tập thể Giảng võ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Đình Quang.
Khi đó, bạn bè, học trò thấy thầy sống chật chội, khó khăn quá mới gom góp nhau lại cho ông vay và rủ ông mua chung miếng đất vốn là hồ Cây Khế chuyên trồng rau muống vào năm 1991. Gia đình ông bà về đây ở từ năm 1992.
Năm 1999, người sang nhượng quyền sử dụng đất bị Tòa án Nhân dân quận Ba Đình xử án treo vì vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai theo bản án số 64/HSST ngày 19/3/1999. Đất sang nhượng bị thu hồi trong khi 8 hộ gia đình đã xây nhà kiên cố, ăn ở sinh hoạt ổn định từ trước đó nhiều năm. Nút thắt khó gỡ bấy nay chính là bản án có hiệu lực pháp luật trên.
2. Bản án thu hồi đất nhưng nhà trên đất thu hồi là tài sản, mồ hôi công sức của những người đã sống ổn định tại đó suốt bao năm và họ làm sao biết chuyên vi phạm “các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” trong khi sau 8 năm pháp luật mới phát hiện ra sự vi phạm của người sang nhượng.
Ông Bùi Mạnh Cường, cán bộ địa chính phường cho hay, những người không làm được sổ đỏ sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt Đảng tại phường, tham gia mọi hoạt động của phường, quận nhưng khổ nỗi lại không phải công dân chính thức của phường, quận.
Từ hoàn cảnh thực tế ấy, Phường có văn bản báo cáo quận đề nghị “ tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống” vào năm 2009 và từ đó đến nay liên tục có những đề nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Có cả cuộchọp của quận với dân gồm cả Phó chủ tịch quận và Trưởng phòng tài nguyên môi trường quận. Phải nói là cả phường và quận đều nhiệt tình nhưng gặp khó giữa lý và thực tế.
Giáo sư Đình Quang trong căn nhà chưa được cấp sổ đỏ.
Ông Cường đưa ra văn bản số 21/BC-UBND do chủ tịch phường Tạ Thành Dương ký ngày 30/7/2009. Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình cũng có báo cáo số 99/BC-THA ngày 1/4/2010 do Chi cục trưởng Nguyễn Văn Lạng ký, gửi Phó chủ tịch UBND quận - Trưởng ban chỉ đạo Công tác thi hành án dân sự quận Ba Đình, trong đó có đề xuất: “Nếu thửa đất nằm trong quy hoạch khu dân cư, đề xuất phương án buộc các hộ gia đình thực hiện đầy đủ các khoản nghĩa vụ với nhà nước, làm thủ tục hợp thức để ổn định cuộc sống cho dân và quản lý của Chính quyền” .
3. Rất tiếc, dù chính quyền Phường Kim Mã và cơ quan thi hành án dân sự của quận Ba Đình mong được ổn định cuộc sống cho dân nhưng cho đến nay, 8 hộ gia đình trong đó có GS Đình Quang vẫn thấp thỏm đợi chờ ngôi nhà của gia đình mình được chính chủ.
Đề nghị UBND quận Ba Đình và UBND TP Hà Nội xem xét trường hợp trên trong hoàn cảnh thực tế và pháp lý căn cứ tinh thần điều 7 khoản 17 trong Quyết định 23 về cấp giấy chứng nhận chủ sử dụng đất ngày 9/5/2008 do Chính phủ ban hành và đặc biệt theo cả đạo lý với người có công.