Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đa số quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn" ô nhiễm

(13:58:14 PM 21/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày hôm qua (20/1), Thông tư 30 của bộ Y tế về quy định điều kiện Vệ Sinh An Toàn (VSAT) thực phẩm đối với thức ăn đường phố đã đi vào thực thi. 16.000 quán ăn vỉa hè ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị "khai tử".

Sau gần một tháng thấp thỏm kể từ khi Thông tư 30 của Bộ Y tế về Quy định điều kiện VSAT thực phẩm đối với thức ăn đường phố được ban hành, các chủ quán ăn vỉa hè trên địa bàn Hà Nội cho biết: Ngày đầu tiên, các cơ quan chức năng đã bắt đầu tiến hành nhắc nhở, kiểm tra về các điều kiện về VSAT thực phẩm của quán so với các quy định cụ thể trong Thông tư 30. Nếu quán ăn nào vi phạm hoặc không tuân thủ đầy đủ, sẽ buộc phải ngừng kinh doanh. 

Được biết, những ngày tiếp theo, các chủ quán ăn vỉa hè bắt đầu sắm mới các dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn. Tuy nhiên, ngay từ quy định "cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm" thì cũng dễ dàng nhìn ra ngay, hiện đang có rất nhiều quán ăn ở Hà Nội hiện nay không đảm bảo được yêu cầu này.  
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại địa bàn Hà Nội có trên 26.000 cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, nhưng trên 16.000 cơ sở nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của cơ quan chức năng.

Chiếu  theo quy định của Thông tư 30, thì trên 16.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố đó không đáp ứng đủ điều kiện và sẽ bị "khai tử". 

Trước sự kiện này, rất nhiều người đã đưa ra ý kiến lo lắng về việc sẽ mất đi một nét văn hóa độc đáo tồn tài rất lâu đời ở Việt Nam. 

Đặc biệt, ở Hà Nội, quán ăn vỉa hè gần như đã trở thành “một phần” của cuộc sống. Phần đông những người Hà Nội đều có thói quen lê la, ăn uống ở vỉa hè. Ngay cả người nước ngoài tìm đến tham quan tại Việt Nam cũng vì thứ văn hóa ẩm thực vỉa hè thơm ngon, mới lạ và giá cả dễ chịu. 

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 1

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 2

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 3

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 4
Cận cảnh hàng quán vỉa hè ngổn ngang và phần lớn đều sát cống rãnh - là nguồn ô nhiễm.

"Chẳng phải Hiệp hội Du lịch Mỹ USTOA đã nói đến Việt Nam như một thiên đường ăn uống nhất nhì thế giới hay sao. Rồi báo Mỹ - trang CNNgo đã từng viết: "Nước Mỹ đã sinh ra những nhà hàng di động nhưng Việt Nam mới là thiên đường đồ ăn đường phố. Không đâu lại có văn hóa đồ ăn đa dạng như nơi này” hay sao? Các quán ăn vỉa hè đã tồn tại từ lâu đời trên phố Hà Nội như một nét văn hóa đặc trưng. Nếu thiếu đi buồn lắm..." - Hoàng Trung (Trung Liệt, Đống Đa) nói.

"Nếu bây giờ quán ăn vỉa hè mất đi, đường phố có thể thoáng đãng hơn nhưng mình sẽ trống vắng lắm. Nó đã trở nên thân thuộc, nơi bạn bè có thể kéo nhau đến một cách thoải mái, dễ dàng gần gũi nhau hơn là vào những nhà hàng sang trọng phải chi một khoản lớn cho phí dịch vụ rồi." - Cẩm Anh (Hàng Bông, Hoàn Kiếm)

"Một bộ phận lớn người nghèo sẽ mất việc nếu như các quán ăn vỉa hè bị "khai tử"... bởi họ không đủ điều kiện để thuê/mở cửa hàng ở Hà Nội đắt đỏ. Họ sẽ đi đâu về đâu, làm nghề gì khi nghề nghiệp gắn bó bị mất đi, đằng sau họ là cả gia đình nữa? Trước khi ra thông tư, các cơ quan chức năng có nghĩ đến điều này? Còn người thích ăn uống vỉa hè như bọn mình lại mất đi những quán ăn "ruột", bình dân... đã trở thành thói quen. " - Hải Hà (Nguyễn Du, Hoàn Kiếm) nói.

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 5

Phần lớn quán ăn vỉa hè Hà Nội đều "gần nguồn ô nhiễm" 6
Chế biến, ăn uống và rửa bát đều sát lề đường, khói bụi và không đảm bảo vệ sinh.

Tuy nhiên, nhiều người lại đồng tình với Thông tư 30 bởi theo nhiều người tình trạng an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố đã đến mức báo động. “Nếu để buông lỏng quản lý trước các quán ăn vỉa hè ở Hà Nội như hiện này thì không biết sức khỏe sẽ đi về đâu, khi mà những quán ăn vỉa hè với một xô nước rửa hàng trăm cái bát, cả người bán lẫn người ăn đều ngồi trong bụi bặm, cạnh cống rãnh như vậy” - Thu Hà (Hào Nam) nói. 

"Đường phố thật khó coi khi ngổn ngang thúng mũng, bàn ghế, người vào người ra, vỉa hè vốn đã không rộng gì, đây quán xá bày ra la liệt.Tốt nhất là hạn chế các quán ăn tự phát, mọi người vào nhà hàng, quán xá đàng hoàng ăn cho văn minh, lịch sự, ai lại ngồi lê la ăn trên đường phố. Gọi quán xá vỉa hè là nét văn hóa nhưng chưa văn minh đâu nhé" - Trung Kiên (Hoàng Hoa Thám) nói.

"Ở Thái Lan, Nhật Bản hay kể cả ở Mỹ, quán xá vỉa hè rất phát triển, tuy nhiên không tự phát và la liệt, lấn chiếm lòng lề đường như ở Việt Nam. Ở Thái có hẳn một khu chuyên biệt chuyên kinh doanh quán xá nhỏ lẻ như quán vỉa hè của Việt Nam, ở nơi mọi người thoải mái mua bán, ăn uống với những điều kiện vệ sinh vô cùng đảm bảo. 

Không chỉ là đảm bảo VSAT thực phẩm và nhìn về khía cạnh mỹ quan và văn minh, chúng ta nên ủng hộ Thông tư 30 và từ đó, mong muốn có một khu chuyên biệt chuyên bán thức ăn vỉa hè, vẫn bán các món ăn đường phố đặc trưng của Việt Nam" - Phú Tài (ĐH Tài Nguyên và Môi trường) nói

Tóm tắt quy định cụ thể của Thông tư 30:

- Cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau.

- Thức ăn nhanh, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.

- Các cửa hàng kinh doanh có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Nơi chế biến thức ăn phải có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến.

- Trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, gián, côn trùng và động vật gây bệnh; có đủ sổ sách ghi chép thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24h kể từ khi thức ăn được chế biến xong...

Đối chiếu vào những quy định này, phần lớn các quán ăn vỉa hè ở Việt Nam không đảm bảo đủ yêu cầu. 

Theo TTVN