Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sóc Trăng:Dự án “chui” được vay hàng tỷ đồng

(15:01:40 PM 20/01/2013)
(Tin Môi Trường) - UBND tỉnh Sóc Trăng có báo cáo về việc triển khai dự án Khu du lịch - nhà hàng - khách sạn Satraco và bảo vệ Khu di tích chùa Dơi. Cũng như lần trước, đại diện UBND tỉnh tiếp tục không trung thực với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)

 


Một cây cầu trong Nhà hàng khu du lịch Chùa Dơi
 

 

*Được ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh - ưu ái, chủ đầu tư vay hàng tỷ đồng tại một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

 

UBND tỉnh không trung thực với Bộ  

 

Liên quan đến việc Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký giấy chứng nhận đầu tư dự án “bốn không” cho Công ty Satraco gồm: không báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh, không xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ VH-TT&DL, đơn vị quản lý và bảo vệ chùa Dơi - một di tích lịch sử cấp quốc gia, thế nhưng chủ dự án, cụ thể là ông Ngụy Bá Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Satraco, lại được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư dù dự án không thuộc diện này. Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, ngày 15-1-2013 UBND tỉnh Sóc Trăng có báo cáo về việc triển khai dự án Khu du lịch - nhà hàng - khách sạn Satraco và bảo vệ Khu di tích chùa Dơi.

 

Theo đó, UBND tỉnh đổ lỗi cho bộ chưa có Luật di sản. Thời điểm chùa Dơi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chủ dự án có sai phạm trong thực hiện nhưng cuối cùng tỉnh thừa nhận thiếu sót. Tại báo cáo trên, UBND tỉnh cho rằng năm 1999 chùa Dơi được công nhận di tích cấp quốc gia, thời điểm đó quy định về bảo vệ di tích chưa chặt chẽ. Trên bản đồ kèm theo hồ sơ công nhận di tích chỉ mới thể hiện khu vực 1 với diện tích 39.600m2 tại thửa đất số 162 (dài 240m, rộng 165m); khu vực 2 với diện tích 76.582m2, nằm cùng phía với chùa. 

 

Do nơi đây hoang sơ, khách tham quan không có chỗ nghỉ nên tỉnh kêu gọi đầu tư. Đầu năm 2011, Công ty Satraco đã khảo sát, làm việc và được Ban quản trị chùa thống nhất đề nghị UBND TP.Sóc Trăng chấp thuận đầu tư khu du lịch - nhà hàng - khách sạn. Để thực hiện dự án, ngày 23-6-2011 UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức cuộc họp liên ngành: Sở VH-TT&DL, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng... thống nhất chủ trương trên. Để minh chứng cho việc cấp giấy phép cho dự án “bốn không” là đúng, UBND tỉnh khẳng định đây là dự án trọng điểm của TP.Sóc Trăng nhằm phục vụ phát triển đô thị, hướng đến năm 2015. Ngày 12-9-2011, UBND tỉnh có quyết định số 214 giao Công ty Satraco 16.356,7m2 đất do nhà nước quản lý, trong đó 12.032,2m2 có thu tiền sử dụng đất và bến xe cách chùa 1km. Quyết định triển khai, Satraco xin điều chỉnh phần diện tích làm bến xe, được UBND tỉnh đồng ý. Ngoài hai thửa đất trên, công ty này còn chủ động thỏa thuận với Ban quản trị chùa Dơi thuê thêm phần đất có diện tích 8.188,1m2, nằm ngoài hàng rào bảo vệ chùa. Dù không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL báo cáo hồ sơ di tích chùa Dơi để bộ phân vùng theo Luật di sản, nhưng UBND tỉnh lại tự phân vùng 1 và 2 tại chùa. Có lẽ “phép vua thua lệ làng” nên UBND tỉnh khẳng định khu du lịch chùa Dơi nằm ngoài di tích? Trong khi đó, sự thật là giấy chứng nhận đầu tư do ông Hiếu ký cấp cho Satraco có mượn 8.188,1m2 đất chùa. 

 

“Tay không” thành tỷ phú

 

 

Trước những viện dẫn không trung thực trên, UBND tỉnh xác định dự án Nhà hàng khu du lịch Chùa Dơi góp phần phát huy giá trị di tích. Dù không tuân theo chỉ đạo của bộ, chưa phân vùng theo Luật di sản nhưng UBND tỉnh “cầm đèn chạy trước ôtô” đã thực hiện nghiêm việc bảo vệ di sản(!). Với nhiều lý do không thuyết phục khi cấp giấy phép đầu tư cho dự án “bốn không”, UBND tỉnh nhận thiếu sót chưa chỉ đạo kịp thời việc xây dựng quy hoạch tổng thể khu di tích và nâng cấp hồ sơ xếp hạng theo luật mới; trong triển khai dự án chưa thực hiện công tác hậu kiểm tra sau cấp phép. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sớm hoàn thành nâng cấp hồ sơ xếp hạng di tích theo luật mới, hoàn thiện và công khai quy hoạch tổng thể khu di tích, quy hoạch vùng đệm, xây dựng khu bảo vệ cảnh quan chùa Dơi và kiểm tra toàn diện việc triển khai dự án theo quy định.

 

Dư luận hết sức bất ngờ trước cam kết của UBND tỉnh. Những vấn đề trên đã được quy định 12 năm, đến nay tỉnh vẫn không thực hiện. Khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh hứa sẽ hoàn thành việc nâng cấp hồ sơ xếp hạng di tích theo luật mới khi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Satraco. Điều dư luận quan tâm, sau khi được tỉnh cấp giấy phép cho dự án “bốn không”, ông Ngụy Bá Tùng lại trở thành đại gia TP.Sóc Trăng. Theo giấy chứng nhận đầu tư, tổng số tiền thực hiện dự án là 35 tỷ đồng, vốn tự có 13,5 tỷ, còn lại đi vay. Được chủ tịch tỉnh ưu ái, ông Tùng vay hàng tỷ đồng tại một số ngân hàng trên địa bàn Sóc Trăng. Một cán bộ hưu trí cho rằng: “Chẳng biết dự án trên có lợi cho tỉnh và chùa Dơi thế nào, nhưng thực tế ông Tùng đã lời bởi sở hữu tiền tỷ từ vay ngân hàng. Trong khi đời sống người dân khó khăn, tôm chết, lúa xâm mặn... mà doanh nghiệp lại được ưu ái bất thường thì phải xem xét trách nhiệm của ông chủ tịch tỉnh”.

Theo Báo CA TPHCM