Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
(ảnh minh họa internet)
Theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương, thông tin dự báo của các địa phương phải được dùng làm tài liệu chính thức cho công tác phòng chống thiên tai ở địa phương, song song với tài liệu dự báo của Trung tâm DBKTTV Trung ương.
Đổi mới bản tin dự báo
Việc đổi mới, cải tiến bản tin khí tượng thủy văn, kết hơp với các đài khu vực và các trung tâm DBKTTV tỉnh, được tiến hành từ cuối năm 2009 đầu 2010 trên cơ sở rà soát lại tất cả các bản tin, trước hết là bản tin bão, lũ. Từ 2009 về trước, chỉ có một loại bản tin cho mọi đối tượng. Từ năm 2010, sẽ có hai loại bản tin khác nhau về cấu trúc, diễn đạt từ ngữ, cho các đối tượng khác nhau. Sẽ có thông tin dưới dạng bảng về dự báo bão từ 24, 48, và 72 giờ để dễ theo dõi. “Chúng tôi đã trình Bộ Tài nguyên&Môi trường xin ý kiến rộng rãi về việc cải tiến bản tin báo bão”, TS Bùi Minh Tăng nói.
Mặt khác, kể từ mùa mưa bão năm nay, sẽ phát huy vai trò của các trung tâm DBKTTV địa phương. Trước kia, bản tin dự báo bão của một số trung tâm DBKTTV tỉnh không khác gì mấy so với của trung ương, TS Tăng cho biết. Nay bản tin dự báo phải làm rõ ảnh hưởng tác động đến địa phương một cách sát thực tế nhất trong khả năng có thể.
“Bản tin của trung ương dự báo cho cả nước nên không thể dài và chi tiết cho từng địa phương được. Chúng tôi chỉ có thể dự báo khoảng ngày này, bão có thể ảnh hưởng đến các tỉnh này, mưa to có thể xảy ra trên diện rộng ở các khu vực lớn hoặc một số tỉnh, thành phố. Còn trung tâm DBKTTV địa phương sẽ làm rõ bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng tới địa phương mình như thế nào như thời gian bắt đầu có gió mạnh, cấp và hướng gió, thời gian bắt đầu mưa và cường độ mưa, phân bố mưa trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chỉ đạo địa phương phải coi bản tin của địa phương là chính thống, bên cạnh bản tin của trung ương”, TS Tăng nói.
Lý do các trung tâm DBKTTV tỉnh có thể dự báo sát hơn so với trung ương một số yếu tố, nhất là mưa, là bởi người địa phương thường biết rõ đặc điểm địa hình, thời tiết địa phương rõ hơn và trực quan khi quan sát bầu trời.
“Chẳng hạn, ở Hà Nội, chúng tôi không thể cảm nhận bầu trời ở Nha Trang thế nào để có thể đưa ra nhận định cho chính xác. Nhưng cán bộ ở Nha Trang khi quan sát độ đậm đặc của mây, màu của mây, có thể cảm nhận và đưa ra dự báo chính xác hơn. Về dự báo mưa, thường dự báo viên ở địa phương quan trắc và dự báo chính xác hơn ở trung ương do có thể mạnh quan sát bầu trời”.
Để tăng cường năng lực cho dự báo ở địa phương, và phục vụ xác định tâm bão miền trung tốt hơn, năm nay, sẽ đưa radar Dopler lắp đặt tại Quảng Trị vào công tác dự báo ở Quảng Trị. Một số tram quan trắc tự động từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có thể được lặp đặt kịp thời và đưa vào hoạt động để thu thập số liệu thời gian thực phục vụ dự báo.
Thử nghiệm dự báo cực ngắn
Trung tâm DBKTTV Trung ương cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm dự báo cực ngắn, dự báo tức thời, trước vài chục phút cho đến 1-2 tiếng chủ yếu cho các thành phố lớn, khu dân cư các hiện tượng như mưa dông, mưa rào bất thường.
Từ cuối tháng 6-2010, Trung tâm sẽ thử nghiệm ở một số địa phương. Kết quả thử nghiệm sẽ được đưa lên website của Trung tâm và VOV giao thông, ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, một số sở ngành như cấp thoát nước, phòng chống ngập úng, công ty công viên cây xanh để chủ động giải toả cây cối đổ gây.
Theo TS Tăng, thông tin dự báo thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có thể có thể cung cấp trực tiếp cho từng thuê bao điện thoại di động. Vấn đề là cần có quan tâm đầu tư của nhà nước, cộng tác của các công ty truyền thông, quảng cáo, và sự hợp tác của người tiêu dùng.