Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều cửa biển bị bồi lấp nặng

(10:11:54 AM 20/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Hàng loạt luồng lạch cửa biển ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình đang bị bồi lấp khiến ngư dân gặp nguy hiểm mỗi lần ra khơi, công tác cứu nạn hàng hải cũng bị hạn chế

Tàu cá bị mắc nạn - Ảnh minh họa

 

Cửa biển Thuận An có chiều rộng hơn 1.000 m, nối thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) với xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), từ lâu đã xuất hiện sạt lở nghiêm trọng ở hai bên bờ. Đây chính là nguyên nhân khiến luồng lạch cho tàu thuyền vào ra cửa Thuận An bị bồi lấp nặng.

 

Nhiều vụ tai nạn

 

Hơn 20 năm bám biển, ngư dân Trần Sấm (46 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An), nói ông đã điều khiển tàu cá vào ra ở nhiều cửa biển khắp các tỉnh miền Trung nhưng chưa thấy chỗ nào khó như ở cửa Thuận An. “Luồng lạch ở cửa này không theo hướng thẳng mà xuôi qua phía Hải Dương. Tàu cá mỗi lần vào ra phải men theo bờ biển bên đó, chờ sóng êm mới qua được. Nếu đi sai luồng thì tàu chắc chắn bị chìm” – ông Sấm lý giải.

 

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) đồng thời là chủ của một tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất 165 CV, cho biết tại xã này có 17 tàu đánh bắt xa bờ, thường làm nghề câu cá lạt. Nghề này chủ yếu hoạt động vào mùa đông, ngư dân ra khơi và trúng lớn khi biển động cấp 5-6. Bình thường phải mất gần một giờ mới điều khiển được tàu vào ra đoạn cửa biển bị bồi lấp kéo dài khoảng 800 m, bởi luồng chỉ sâu chưa tới 2 m, rộng khoảng 20 m.
 
 
Những khi sóng lớn, các tàu cá ra vào rất khó khăn, thậm chí còn bị nạn. “Cứ mỗi lần gió lớn, tàu cá của chúng tôi thường chạy vào vịnh Đà Nẵng neo đậu. Rất tốn kém và mất thời gian, gặp nguy hiểm khi bão vào nhanh nhưng phải chấp nhận” – ông Phát nói.
 

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An, tại cửa biển Thuận An đã có nhiều trường hợp tàu cá ngư dân gặp nạn khi cố gắng vào cửa mỗi lần thời tiết nguy hiểm. Trong đó, gần nhất là trường hợp của tàu TTH-22088 của ông Lê Văn Châu (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bị chìm vào đêm 2-12-2012 khiến 6 ngư dân phải tự bơi vào bờ.

 

Cứu nạn cũng mắc kẹt        

 

Không những cửa Thuận An mà các cửa Tư Hiền của huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), Cửa Việt (Quảng Trị), cửa Nhật Lệ, cửa Gianh (Quảng Bình)… cũng đang bị bồi lấp. Ngoài gây khó khăn cho tàu thuyền ra khơi, công tác cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chức năng cũng bị ảnh hưởng.

 

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, thừa nhận khi biển động cấp 9, cấp 10 thì không có phương tiện cứu hộ nào của tỉnh này có thể ra biển ứng cứu ngư dân gặp nạn vì luồng lạch tại cửa Thuận An quá cạn. Tương tự, cửa sông Gianh ở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) bị bồi lấp nặng khiến nhiều cuộc cứu nạn bất lực.
 
 
Trong đó, điển hình là công tác cứu nạn tàu cá QB 93714TS của ông Nguyễn Phong (ngụ xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch) bị chìm sáng 30-12-2012.  Dù nhận được thông tin tàu cá này bị nạn rất sớm nhưng hai tàu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình neo đậu ngay tại cửa Gianh cũng không thể thoát ra khỏi cửa biển để ứng cứu kịp thời. Trong khi đó, sau nhiều giờ tìm kiếm tàu bị nạn, tàu SAR 411 của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 vào cửa Gianh tạm nghỉ thì cũng bị mắc cạn ngay tại đây trong suốt ngày 31-12-2012. 
 

Đại tá Hoàng Tấn Hùng, Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Hai tàu cứu nạn của chúng tôi đã nhiều lần nổ máy và chạy tới cửa biển sông Gianh nhưng không thể ra được biển do đoạn sông này bị bồi lấp nặng. Các tàu này đành phải quay lại sông Gianh để đợi thủy triều lên cao hơn mới ra được biển”. Đến chiều tối  31-12-2012, khi thủy triều lên cao, các tàu cứu nạn này mới vượt được cửa sông Gianh để ra biển cứu nạn tàu cá bị chìm.  

QUANG NHẬT (NLĐ)