Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiểm họa từ nạn sạt lở đất ở bờ sông Tích
Dù những trận lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về chưa xuất hiện nhiều, nhưng thời điểm này, dòng nước sông Tích chảy cuồn cuộn thúc vào bờ hữu đã để lại những thành vách đứng cao tới 10 mét với nhiều hàm ếch ăn sâu vào bờ trông rất nguy hiểm.
Tình trạng sạt lở ở đây không chỉ xuất hiện từ sau những trận mưa đầu mùa vào tháng 6 năm nay, mà kéo dài hàng chục năm nay, từ những năm 90 của thế kỷ trước khi cầu Tân Trượng được xây dựng. Song độ vài năm gần đây, tình trạng sạt lở ở khu vực này trở nên nghiêm trọng.
Vừa qua, toàn bộ 250m từ Cầu Tân Trượng đến ngã ba giao nhau với sông Bùi bị sạt lở đất nặng nề, có những vị trí khoét sâu vào bờ từ 2 đên 3 mét.
Tại vị trí Nhà văn hóa Khu Xá - nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân khu Bùi Xá - một số công trình phụ mới xây nhiều khả năng sẽ đổ ụp xuống lòng sông do nằm liền kề với khu vực sạt lở. Kề cận đó, nhiều bụi tre đã bị dòng nước "khoét" bật gốc.
Ông Nguyễn Như Vân, cán bộ địa chính thị trấn Xuân Mai cho biết, nếu tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra, chậm được xử lý bằng các giải pháp công trình thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, đình làng Bùi Xá, Nhà văn hóa Khu Xá, trường Trung học cơ sở Xuân Mai B và hệ thống đường giao thông nông thôn ở đây sẽ bị hư hỏng.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Đê điều&Phòng chống Lụt bão Thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, vị trí bị sạt lở bên bờ hữu sông Tích là do tác động kép. Một phần do ảnh hưởng của việc xây dựng Cầu Tân Trượng làm biến đổi dòng chảy, tạo nên bên lở, bên bồi.
Mặt khác, vị trí này là đoạn sông cong, ngã ba sông là nơi giao lưu giữa sông Tích, sông Bùi. Hàng năm, các trận lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về kéo theo lượng lớn phù sa bồi đắp bờ tả Tích (địa bàn thuộc xã Thủy Xuân Tiên) làm thu hẹp dòng chảy, còn phía bờ hữu (địa bàn thị trấn Xuân Mai) tạo nên dòng nước xoáy gây nên tình trạng sạt lở đất.
Ông Thịnh cũng nhận định: chất đất bên bờ hữu rất yếu, hầu hết là đất cát pha nên khi mưa lớn, lũ về, tình trạng sạt lở bờ hữu sông Tích sẽ khó tránh khỏi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh cũng cho biết, sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở đất dữ dội tại bờ hữu Sông Tích, huyện Chương Mỹ đã kịp thời báo cáo với UBND thành phố có biện pháp xử lý bằng giải pháp kè mái bảo vệ chống sạt lở.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, huyện chỉ đạo thị trấn Xuân Mai theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm này, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản, công trình của nhân dân.
Hiện nay, toàn bộ khu vực này được “giới nghiêm”, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu xảy ra trận mưa khoảng 300mm sự cố xảy ra ở khu vực này sẽ khó lường.