Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP.HCM: chỉ CSGT đeo “thẻ xanh” mới được dừng xe

(11:18:45 AM 19/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Tại TP.HCM, thượng tá Trần Thanh Trà - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM - nhấn mạnh chỉ những chiến sĩ CSGT được cấp thẻ tuần tra kiểm soát màu xanh mới có thẩm quyền yêu cầu dừng các phương tiện để kiểm tra xử lý.

 

Một CSGT đeo “thẻ xanh” dừng xe vi phạm ở ngã tư Nguyễn Kiệm - Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM)
chiều 18-1 - Ảnh: Thuận Thắng  
 

Đó là quy định mới về biển hiệu và giấy chứng nhận CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường bộ theo thông tư 45/2012/TT - BCA của Bộ Công an. Những lực lượng phối hợp cùng CSGT như công an phường, dân phòng, cảnh sát trật tự, phản ứng nhanh... không có quyền yêu cầu dừng xe mà chỉ hỗ trợ CSGT có “thẻ xanh” trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

 

Tuy nhiên, lực lượng CSGT không đeo “thẻ xanh” khi được phân công hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại nhiều chốt chặn trên địa bàn đảm trách cũng có thể ra hiệu lệnh kiểm tra xử phạt đối với những lỗi vi phạm thể hiện rõ ràng như tụ tập lạng lách, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... chứ không nhất thiết phải chờ CSGT có “thẻ xanh” xuất hiện. Cũng theo thượng tá Trà, lực lượng CSGT được cấp “thẻ xanh” được tuyển chọn, đào tạo nghiêm ngặt về nhiều kỹ năng nghiệp vụ nhằm tăng cường hiệu quả chuyên trách trong việc tuần tra kiểm soát. Lực lượng này bao gồm cả CSGT từ công an 24 quận huyện và CSGT do PC67 quản lý.

 

“Nếu chưa đúng, mong người dân thông cảm...”. Đó là lời của thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an chiều 18-1, khi được hỏi về việc người dân phải ứng xử thế nào khi CSGT không đeo thẻ tuần tra kiểm soát màu xanh vẫn dừng xe, xử phạt vi phạm giao thông.

 

Theo ông Tuyên: “CSGT ra đường làm nhiệm vụ có thể có trường hợp này, trường hợp khác, ví dụ như bỏ quên hoặc cũng có thể sót, chưa được cấp thẻ vì việc này chỉ mới bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2013. Trước hết, mong bà con thông cảm. Cũng có thể là do trục trặc chỗ này, chỗ kia. Nếu có gì sai, bà con phát hiện thì phản ảnh về lực lượng qua đường dây nóng từ cấp bộ xuống địa phương. Lực lượng công an sẽ tiếp thu, sai thì chấn chỉnh, còn sai quá phải có hình thức kỷ luật, các quy định của bộ, của ngành đã có đủ”.

 

Thiếu tướng Tuyên khẳng định: Việc đeo thẻ tuần tra kiểm soát màu xanh chỉ áp dụng cho lực lượng CSGT. Các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh hay công an phường không sử dụng thẻ này. Họ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao riêng. Công an phường, cảnh sát trật tự chủ yếu được giao nhiệm vụ xử lý giao thông tĩnh như lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đậu đỗ sai quy định chứ không dừng xe vi phạm xử lý vi phạm.

 

Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đang áp dụng thí điểm mô hình tổ công tác 141 của Công an Hà Nội gồm CSGT, hình sự, cơ động tham gia thì lực lượng này có quyền dừng xe vì có CSGT trong tổ công tác đó. Tuy nhiên, CSGT vẫn là người có trách nhiệm chính xử lý các vi phạm Luật giao thông đường bộ, các lực lượng còn lại chỉ xử lý những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Mục đích của các tổ công tác này là chống việc gây rối trật tự công cộng và chống các đối tượng dùng các tuyến giao thông để gây án chứ không phải xử lý vi phạm giao thông.

 

Ông Tuyên lưu ý: Chức năng dừng xe, xử lý vi phạm Luật giao thông đường bộ là của CSGT. Nhưng đối với những vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì nhiều lực lượng cũng được quyền xử lý. Công an phường, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh hoặc các lực lượng cảnh sát khác được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự xã hội đều được xử phạt, ví dụ như cảnh sát cơ động cũng được xử phạt vào ban đêm.

 

Thiếu tướng Tuyên khẳng định: “Việc cấp thẻ tuần tra kiểm soát cho lực lượng CSGT để phân biệt rõ với các bộ phận khác không thực hiện chức năng này, qua đó dễ giám sát. Những lực lượng cảnh sát khác không có “thẻ xanh” không được dừng xe xử lý. Có thể có việc lực lượng khác dừng xe vi phạm xử lý xảy ra trên thực tế, nhưng chắc chỉ có chỗ này, chỗ kia trong TP người ta làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, chứ chắc không ai dám ra quốc lộ, tỉnh lộ dừng xe”.

_________________

 

Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn luật sư TP.HCM):

 

CSGT không có thẻ dừng xe là sai

 

Căn cứ thông tư số 65/2012/TT - BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đường bộ thì chỉ duy nhất lực lượng CSGT mới có thẩm quyền dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt tại điều 4 nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì chỉ trong bốn trường hợp cần thiết các lực lượng trên mới có quyền tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo điều 4 nghị định 27/2010, đó là các trường hợp như: trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện lớn; các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; khi tình hình vi phạm giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp hoặc các trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 

Thông tư 45/2012/TT - BCA có quy định về việc CSGT khi tuần tra phải đeo thẻ ngành, điều này là việc chuẩn hóa quy định về hình thức, trang phục của CSGT, có thể xem như là một điều kiện của CSGT khi thực thi nhiệm vụ. Theo tôi, khi đã có quy định của thông tư 45/2012/TT - BCA thì có thể hiểu là chỉ có CSGT đeo “thẻ xanh” đúng theo quy định mới đủ thẩm quyền yêu cầu dừng phương tiện giao thông, CSGT không có thẻ xanh không đủ điều kiện, thẩm quyền dừng xe.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

 

Lực lượng được huy động tuần tra giao thông phải theo kế hoạch

 

Đối với các lực lượng được huy động tuần tra giao thông trong các trường hợp cần thiết theo quy định nghị định 27/2010, việc huy động bắt buộc phải thực hiện bằng quyết định hoặc kế hoạch huy động của cơ quan có thẩm quyền. Trong văn bản đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của CSGT, cảnh sát khác và công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Khi hết thời gian huy động ghi trong quyết định hoặc kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động.

 

Thực tế gần đây có nhiều trường hợp các lực lượng được huy động trên lập chốt tuần tra, dừng xe để kiểm tra. Theo nghị định 27/2010, các lực lượng cảnh sát được huy động có thể phối hợp, đi cùng với CSGT nhưng cũng có thể đi riêng nên thực tế nhiều người vẫn thấy lực lượng cảnh sát khác mà không phải CSGT tuần tra, xử phạt. Về nguyên tắc, khi bị các lực lượng khác kiểm tra giao thông, người dân có quyền đề nghị những người thi hành công vụ công bố rõ họ được huy động theo quyết định, kế hoạch nào, nhưng thực tế hầu như không ai dám đề nghị công an phải xuất trình quyết định, kế hoạch xem việc chặn xe có đúng thẩm quyền hay không?

 

Theo tôi, trong các trường hợp huy động trên, cơ quan công an địa phương phải công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể gọi đến kiểm tra xem các chốt tuần tra đó có được lập đúng theo kế hoạch tăng cường hay không, tránh tình trạng có đơn vị lạm dụng việc dừng xe giao thông để kiểm tra.

Theo Tuổi trẻ