Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Không để tình trạng một xô nước rửa hàng trăm cái bát”

(15:43:52 PM 14/01/2013)
(Tin Môi Trường) - “Rõ ràng không thể để tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh” - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi.

 

Nữ Bộ trưởng nhận nhiều câu hỏi thẳng thắn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 13/1, ngay sau chuyến “thị sát” chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cùng Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 5/1 vừa qua.

 

Nói về kết quả chuyến thị sát, Bộ trưởng Kim Tiến nhận xét: “Nhìn chung các chỉ tiêu về phát hiện nhanh và chất cấm vẫn chưa phát hiện ra. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, thực trạng an toàn thực phẩm của chúng ta đã tốt”.
 
Nữ Bộ trưởng Y tế trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời
Nữ Bộ trưởng Y tế trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời

 

Trước câu hỏi “xoáy” về việc sao không chọn chợ cóc để kiểm tra mà lại chọn những nơi có điều kiện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tương đối tốt, những cửa hàng đã đăng ký thương hiệu, có uy tín, được kiểm định từ lâu, Bộ trưởng Y tế thừa nhận các địa điểm mà hai Bộ trưởng đích thân thị sát không đại diện hết cho các cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm. Bức tranh mà hai Bộ trưởng nhìn thấy không hẳn đã phản ánh đầy đủ toàn bộ thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Kết quả chuyến thị sát vừa qua, theo đó, không mang tính đại diện. Bà Tiến cho rằng, phải khảo sát hàng trăm cửa hàng, lấy hàng trăm ngàn mẫu thì mới có thể phản ánh được thực trạng vấn đề của vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế khẳng định, chuyến khảo sát này sẽ mở đầu cho một cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Đây là 1 trong 3 hoạt động chính trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, được Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT phối hợp triển khai.

 

Theo đó, các ngành chức năng sẽ lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra tại 24 tỉnh thành có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra từ tỉnh cho tới các xã, phường. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra với hàng trăm nghìn mẫu vật, từ đó đánh giá tương đối đầy đủ thực trạng an toàn thực phẩm, cảnh báo người dân và triển khai các giải pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho người dân có những bữa ăn an toàn trong dịp Tết.

 

Trong đợt cao điểm sẽ áp dụng quy định xử phạt hành chính mới, với hình thức nghiêm khắc hơn nhiều với mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Bà Tiến chỉ rõ, nếu mức xử phạt ấy chưa đúng mức thì sẽ thực hiện xử phạt cao gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Ngoài ra có thể rút giấy phép kinh doanh, đồng thời công bố trên thông tin đại chúng những cơ sở, mặt hàng không đạt tiêu chuẩn để người dân quay lưng lại với sản phẩm “bẩn” đó.
 
Nữ Bộ trưởng Y tế trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời
Bộ trưởng Y tế Kim Tiến cùng Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát thị sát chợ Đồng Xuân ngày 5/1/2013.

 

Nói về việc “vi hành” thực sự theo hướng cải trang, lặng lẽ đi kiểm tra để nắm bắt tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Tiến cho biết, là phụ nữ, cũng là một người dân bình thường, bà đã nhiều lần đi chợ (từ chợ đầu mối đến các chợ bán lẻ, từ chợ cóc đến các siêu thị, từ các cơ sở sản xuất đến các cửa hàng ăn) để lựa chọn những thực phẩm sạch và cũng tránh những nơi có nghi ngờ.

 

“Chúng ta ra chợ không biết sản phẩm nào là sạch, sản phẩm nào là an toàn, thì nói gì đến người dân” – nữ Bộ trưởng trao đổi thẳng thắn.

 

Một vấn đề khác đặt ra với Bộ trưởng Y tế là việc triển khai kiểm soát thức ăn đường phố khi Thông tư 30 về nội dung này cho Bộ ban hành sắp có hiệu lực (từ 20/1 tới), đang gây không ít băn khoăn về tính khả thi.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Thông tư ra đời không có nghĩa là sẽ cấm kinh doanh trên đường phố vì dịch vụ này vẫn có nhiều ưu điểm như giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, hiện tượng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện rất phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân. Thông tư 30 sẽ là hành lang cơ bản để chúng ta tiến tới việc thức ăn đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.

 

“Rõ ràng không thể để tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh” - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Theo Dân Trí