Lời nguyền của vua Lý
Số phận long đong khiến Lý Huệ Tông phải chạy loạn từ tuổi 15 và trên hành trình đó, ông đã gặp mối lương duyên định mệnh với Trần Thị Dung, người ông đã hết lòng yêu thương và bảo vệ những cũng chính mối tình ấy đã dẫn đến sự tuyệt diệt của nhà Lý.
Tượng thờ vua Lý Huệ Tông. |
Tạo hình hoàng hậu Trần Thị Dung trên phim. |
Chuyện vua Lý nguyền rủa dòng họ Trần có lẽ chỉ do người sau thêu dệt, bởi trong những thời khắc hung hiểm như vậy, khó có ai làm chứng. Nhưng có một sự thật là kết thúc của dòng họ Trần sau đó gần 200 năm cũng có rất nhiều điểm tương đồng với kết cục của nhà Lý, nhất là cái chết của hai ông vua “cuối cùng”.
Thứ nhất, vương triều của họ đều mất về tay ngoại thích – họ hàng của những người đàn bà được vua yêu dấu. Kẻ tiếm ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly, có hai người cô làm vợ vua Trần Minh Tông. Đến đời Nghệ Tông, ông được tin dùng với quyền lực ngày một lớn, đến mức hầu như quần thần đều thấy rõ bụng dạ thoán đoạt, chỉ riêng Nghệ Tông vẫn mù quáng tin tưởng, giao hết quyền bính vào tay Quý Ly. Sau này, Nghệ Tông nhường ngôi cho cháu là Trần Hiện (Trần Phế Đế), vị vua trẻ biết dã tâm của họ Hồ và có ý trừ bỏ, nhưng Quý Ly chỉ nói vài câu với thượng hoàng Nghệ Tông là Trần Hiện đã lập tức bị phế rồi giết chết.
Sau vụ đó, Thượng hoàng Nghệ Tông lập con trai mình, mới 11 tuổi, lên ngôi, là Trần Thuận Tông. Vị vua thiếu niên này được sắp đặt lấy con gái của Hồ Quý Ly, lập làm hoàng hậu. Tay chân của họ Hồ nắm hết các chức vụ trọng yếu, và sau khi thượng hoàng Nghệ Tông mất thì ông ta chẳng còn kiêng nể gì nữa. Bên cạnh ông con rể hoàng đế ở tuổi thiếu niên, chính Quý Ly mới là ông vua thực sự.
Tượng vua Trần Thuận Tông tại Đền Trần, tỉnh Nam Định. |
Đứa con của hai ông vua bị ép chết sau khi xuất gia này cũng đều mang số phận tốt thí. Lý Chiêu Hoàng vừa được đặt lên ngôi đã phải nhường ngai vàng cho họ Trần để làm hoàng hậu, sau đó bị giáng làm công chúa rồi bị chồng cũ gả cho bề tôi. Còn con trai của Thuận Tông lên làm vua được hai năm đã bị ông ngoại cướp ngôi, giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương.
Ngôi chùa – khởi đầu và cũng là kết thúc của triều Lý
Nhân nói đến lời nguyền của vua Lý khiến vương triều Trần cũng có kết thúc thê thảm tương tự nạn nhân của họ, ta không thể không nhắc đến lời nguyền khiến nhà Lý diệt vong. Đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng nhân vật liên quan lại trở thành thành hoàng của một ngôi đình hiện vẫn còn ở Hà Nội, đó là đình làng Bái Ân (thuộc phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). Thành hoàng làng này là vợ chồng ông Vũ Phục sống bằng nghề bán dầu (nên còn gọi là ông Dầu bà Dầu) ở triều Lý Nhân Tông. Vợ chồng họ đã tự trẫm mình xuống sông, dâng mạng cho thần để chữa bệnh đau mắt cho vua, nhờ thế mà được thờ làm thành hoàng.
Tuy nhiên, trong câu chuyện dân gian khác, hai ông bà bị ép chết. Chuyện rằng, vua Lý đau mắt mãi không khỏi, thầy bói nói vua bị “thủy phương càn tuất” xuyên vào mắt, muốn trấn áp thì phải lập đàn cúng Hà Bá ở ngã ba sông Tô Lịch và Thiên Phù cầu phương cách. Thần báo mộng là sáng tinh mơ ngày 30/11 năm đó phải cho người đứng ở bến đò, thấy ai đến đầu tiên thì bắt quẳng xuống sông phong làm thần, bệnh sẽ khỏi.
Mờ sáng hôm đó, vợ chồng ông Dầu bà Dầu quảy hàng đi bán thì bị quân lính giữ lại, hỏi han mấy câu rồi tóm lấy, lôi sềnh sệch ra sông quẳng xuống, mặc cho họ van xin. Bệnh của vua quả nhiên khỏi. Nhưng linh hồn ông Dầu bà Dầu hết sức căm hận, đã nhập đồng vào một lão chủ quán ở bến sông, nói rằng: “Chúng mày là quân tàn ác dã man, chúng mày là quân giết người lương thiện. Chúng mày sẽ chết tuyệt diệt. Họ Lý chúng mày sẽ không còn một mống nào để mà nối dõi. Chúng tao sẽ thu hẹp hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù lại”.
Quả nhiên sau đó sông Thiên Phù cứ bị lấp dần rồi mất, còn sông Tô Lịch tấp nập thuyền bè cũng thành rãnh nước bẩn bé tẹo. Còn con cháu nhà Lý là Lý Huệ Tông kết thúc cuộc đời mình trong chùa Bút Tháp. Ở đây có một điểm trùng hợp nữa: nhà Lý phát tích từ chùa mà tuyệt tích cũng từ chùa. Vậy mới thấy thời thế xoay vần thật kỳ lạ.
Ca dao có câu: “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa đi quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Nhưng với nhà Lý, ngoại lệ đã xảy ra, “con sãi” sau thời gian ở chùa đi quét lá đa đã lên ngôi hoàng đế - đó là Thái tổ Lý Công Uẩn. Có điều hậu duệ của ông hơn 100 năm sau đến ngày thất thế lại phải ra quét chùa, và rồi muốn tiếp tục quét chùa cũng không được; phận đế vương một khi bị đẩy khỏi ngôi trời chỉ có một con đường chết.