Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo vệ sông Đồng Nai: Trông chờ Chính phủ

(08:34:38 AM 12/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai hiện chưa đủ thẩm quyền để điều phối và chỉ đạo giữa các địa phương, bộ, ngành

Ngày 11-1, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) đã tổ chức tổng kết 5 năm triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, giai đoạn 2007-2012.

 

“Cha chung”

 

Theo báo cáo từ Văn phòng Ủy ban Sông Đồng Nai, các chỉ số quan trắc chất lượng nước: BOD5, COD… trong 5 năm qua đều vượt quy chuẩn cho phép, chỉ số chất lượng nước ngày càng thấp cho thấy chất lượng nước tiếp tục suy giảm. Hoạt động kinh tế phát triển ồ ạt đi kèm việc tàn phá rừng đầu nguồn và xả thải của các cơ sở sản xuất… khiến sông Đồng Nai hết sức nguy cấp.
 
 

Chất lượng nước sông Đồng Nai suy giảm do ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai Bùi Cách Tuyến cho biết: Ủy ban ra đời là nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương. Song, còn rất nhiều hạn chế khiến công tác bảo vệ không theo kịp sự phát triển của các địa phương. Quan trọng nhất là các quyết định của Ủy ban Sông Đồng Nai chỉ mang tính đồng thuận, không ràng buộc về pháp lý cũng như không có nguồn lực điều phối giữa các địa phương, bộ, ngành. Ngay cả vị trí chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai hiện nay cũng không đủ thẩm quyền để điều phối, xử lý.
 
 
Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm các khu vực giáp ranh ngày càng phức tạp, gây nhiều bức xúc, chẳng hạn: kênh Ba Bò (giữa Bình Dương và TPHCM), kênh Thầy Cai - sông Cần Giuộc (Long An và TPHCM)...  Vì thế, các địa phương và bộ, ngành kiến nghị cần có “tổng chỉ huy” là Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng, đủ sức mạnh xử lý  các vấn đề liên vùng.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới tỏ ra không hài lòng với báo cáo vì chưa rõ ràng, chưa cụ thể: “Báo cáo tổng kết 5 năm nhưng còn quá nhiều chữ “do”: Do nghèo, do thiếu nguồn lực… đó là những chữ “do” không thể chấp nhận được. Hội nghị Ủy ban Sông Đồng Nai năm nào cũng tổ chức nhưng không đưa ra được giải pháp cụ thể, kiến nghị thì chung chung và không biết ai sẽ thực hiện nên cuối cùng vẫn không thực hiện được. Tôi nhớ khi xử phạt Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, Bộ TN-MT có nói sẽ dùng số tiền này để cải thiện môi trường nhưng đến nay, số tiền này sử dụng ra sao vẫn không ai rõ” - ông Thới nêu bất cập.

 

Bộ, ngành cò kè từng đồng

 

Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Bộ TN-MT đã đề xuất kinh phí đầu tư cho đề án Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 hơn 10.000 tỉ đồng nhưng chỉ được duyệt kinh phí 5.000 tỉ đồng, trong đó 50% là vốn ngân sách. Thế nhưng, đến nay, ngân sách chi trong năm 2012 mới 141 tỉ đồng và năm 2013 được 131 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này quá thấp nên có thể sẽ không đạt được chương trình mục tiêu quốc gia số 16 về giảm ô nhiễm môi trường. Vì thế, sắp tới Bộ TN-MT sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét nâng vốn đầu tư chương trình.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết nguyên nhân giảm kinh phí đầu tư là do tổng đầu tư toàn quốc giảm. Vì thế, các địa phương nên chủ động tìm kiếm các nguồn viện trợ ODA. Không đồng ý, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết không dễ gì tiếp cận các nguồn vốn ODA vì thủ tục nhiêu khê, thời gian giải ngân lại kéo dài, trong khi đây là vấn đề cấp bách cần phải huy động nguồn lực nội tại, không nên trông chờ vào viện trợ. Đồng tình, ông Trần Ngọc Thới cho rằng vấn đề ô nhiễm đang xảy ra từng ngày, mỗi ngày càng trầm trọng hơn, vậy mà các bộ, ngành lại cò kè từng đồng, e rằng đến lúc đó sẽ không thể khắc phục được nữa.

 

Tại hội nghị, các thành viên Ủy ban Sông Đồng Nai đã thảo luận và bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung làm chủ tịch ủy ban nhiệm kỳ tới.
 
 

Xử phạt hàng chục tỉ đồng

 

Trong 5 năm qua, Bộ TN-MT đã tổ chức kiểm tra, xử phạt khoảng 250 đơn vị gây ô nhiễm môi trường với số tiền khoảng 39 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường các tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai cũng đã phát hiện xử lý trên 5.448 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó xử lý hình sự 123 vụ, xử phạt hành chính hơn 99 tỉ đồng.

 

Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016- 2020, tập trung chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt. Các địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị định về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cần hạn chế đầu tư tại các lưu vực sông.

 

Bài và ảnh: MINH KHANH (NLĐ)