Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mỗi năm 10.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí

(10:46:22 AM 11/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Báo cáo của DARA International và Diễn đàn các Nước dễ Tổn thương về Biến đổi Khí hậu đưa ra hôm qua (10/1/2013) cho thấy ô nhiễm không khí dự đoán gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm ở năm 2010, tăng lên hơn 20.000 người chết mỗi năm vào năm 2030 do mức độ ô nhiễm tăng.

 Mỗi năm 10.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí

 

Theo nghiên cứu, trong số các nước dễ bị tổn thương nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là về kinh tế, Việt Nam còn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe bởi ô nhiễm không khí từ giao thông vận tảiđô thị công nghiệp phát thải nhiều carbon, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vùng núi cao, cách thức tiến hành nấu ăn và sưởi ấm độc hại do đốt củi, than và các vật liệu khác trong nhà.   

 

Khói trong nhà, vấn đề nghiêm trọng nhất   

 

Nhóm nghiên cứu của hai tổ chức DARA International và Diễn đàn các Nước dễ Tổn thương về Biến đổi Khí hậu (CVF) cho rằng đô thị hóa, công nghiệp, sản xuất điện, các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam đã dẫn đến nồng độ các hạt bụi trong không khí cao, rất độc hại. Hơn nữa, sự phụ thuộc nặng nề dùng củi để đun nấu và sưởi ấm trong nhà đặt ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

 

Đun than, dầu vô cùng ô nhiễm vì nó tạo ra SO2, NO2, CO, CO2 - những rất độc hại vì nó tiêu thụ ôxy trong máu làm ngạt thở. Không gian trong nhà cũng bị ô nhiễm do khu vệ sinh tạo ra vi khuẩn, chất tảy rửa. Đôi khi không khí trong nhà bị ô nhiễm do không khí ô nhiễm ngoài nhà đưa vào. Bởi vậy, môi trường trong nhà thường bị ô nhiễm hơn ngoài nhà – theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE).

 

Nhóm nghiên cứu xem xét chi phí của nền kinh tế carbon về mặt nhân lực, khói trong nhà là vấn đề nghiêm trọng nhất, chiếm hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2010 và tỉ lệ tử vong tương tự vào năm 2030, bởi các bệnh do tiếp xúc với khói khi đốt lửa nấu ăn trong nhà và sưởi ấm. Tỉ lệ tử vong do khói trong nhà ổn định, vì mặc dù dân số tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ cho phép nhiều hộ gia đình sử dụng bếpnhiên liệu đốt sạch hơn.   

 

Ô nhiễm không khí dự đoán gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm năm 2010, tăng lên hơn 20.000 người chết mỗi năm vào năm 2030 do mức độ ô nhiễm tăng.

 

Báo cáo “Giám sát tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu 2012 – Trường hợp nghiên cứu Việt Nam” đánh giá lưu vực phía bắc sông Hồng xung quanh Hà Nội nồng độ bụi hạt trong không khí quá cao do phát thải từ giao thông và công nghiệp rất nguy hại đối với sức khỏe con người.   

 

Bùng nổ dân số cùng với quá trình di dân, đô thị hóa và hậu quả của tăng trưởng nóng, thậm chí có nơi có lúc tăng trưởng bằng mọi giá đã trực tiếp góp phần làm gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên trầm trọng - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa môi trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.

 

“Chưa bao giờ môi trường lại tác động đến nồi cơm, manh áo, và sức khỏe của từng người, từng gia đình và cả xã hội rõ rệt như những năm gần đây”, TS Hòe nói.

 

Một nghiên cứu được đưa ra nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2012 cho thấy tổng thiệt hại kinh tế của Việt Nam do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm khoảng 1,5 – 3% GDP, chưa kể thiệt hại 780 triệu USD để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

 

 

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên&Môi trường, để tăng 1% sản phẩn quốc nội (GDP) ở Việt Nam, suy thoái môi trường hiện nay làm giảm 1,5% GDP. Nếu lấy GDP nước ta năm 2010 là 102 tỷ USD thì, để tăng 1,02 tỷ USD GDP, suy thoái môi trường làm giảm 1,53 tỷ USD GDP.

 

Khái niệm "quản lý chất lượng không khí" hiểu chưa đúng

 

Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho biết trên thế giới, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu hay trong khu vực châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... được biết đến với bầu không khí trong lành do họ thực hiện quản lý chất lượng không khí tương đối tốt. Các nước này có cơ quan thống nhất quản lý chất lượng không khí, hệ thống văn bản đầy đủ, mạng lưới quan trắc mạnh, thực hiện kiểm kê nguồn thải thường xuyên... Ngược lại, các nước đang phát triển hoặc các nước có nền kinh tế chuyển đổi do áp lực tăng trưởng kinh tế - xã hội thực hiện chưa tốt công tác quản lý chất lượng không khí.

 

Tại Việt Nam, khái niệm "quản lý chất lượng không khí" và "kiểm soát ô nhiễm không khí" được hiểu chưa đúng dẫn đến cách tiếp cận về quản lý chất lượng không khí chưa mang tính tổng thể. Hiện nay hệ thống cơ quan quản lý môi trường không khí ở nước ta còn chưa rõ ràng trong chức năng nhiệm vụ.

 

Luật Bảo vệ Môi trường 2005 quy định chức năng nhiệm vụ quản lý môi trường nói chung cho Bộ Tài nguyên&Môi trường nhưng những quy định pháp luật về quản lý chất lượng không khí còn chung chung nên khó thực hiện. Trong khi đó, Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 bao gồm một chương trình ưu tiên "Chương trình cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam" và Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường quốc gia đến năm 2010 bao gồm kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí được giao cho Bộ Giao thông Vận tải. Trong chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Giao thông Vận tải chỉ kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông.

 

Một bất cập nữa là chúng ta thiếu các văn bản đặc thù về quản lý chất lượng không khí nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng, mặc dù đã có một số quy chuẩn Việt Nam (trước đây là tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN) về chất lượng không khí xung quanh và khí thải. Trong khi các văn bản quy định về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, đa dạng sinh học, quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra... đã có tương đối nhiều. Thậm chí, Việt Nam cũng chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp trung ương và địa phương.

 

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của Việt Nam cũng còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thục tế; Công tác quan trắc chất lượng không khí còn nhiều bất cập, thông tin, cảnh báo chưa tốt; ý thúc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và nhận thúc cộng đồng về ô nhiễm và tác hại của ô nhiễm không khí chưa cao.

 

Chính vì vậy những giải pháp ưu tiên được đưa ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật. Trước hết, thông qua sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, trong đó cần bổ sung khái niệm về quản lý chất lượng không khí, phân định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành rõ ràng hơn. Cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, quy định nhằm đảm bảo thực thi pháp luật và chính sách khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ môi trường không khí.

 

Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng gắn với định hướng phát triển đô thị thân thiện với môi trường; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng đồng thời với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; Tăng cường và hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí đô thị, thông tin hiện trạng môi trường và cảnh báo cho người dân; Tăng cường và mở rộng công tác hợp tác quốc tế, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn lực của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế về kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một nửa dân số thế giới – tức khoảng 3 tỷ người - hàng ngày đun củi, than đá, rơm rạ hay phân động vật trong nhà để nấu ăn, và sưởi ấm. Điều này khiến khoảng 1,5 triệu người chết mỗi năm. 

 

Paul Wilkinson cùng cộng sự của ông ở Trường Y học Nhiệt đới&Vệ sinh London ước tính có khoảng 2,4 triệu người khắp thế giới bị phơi nhiễm khí độc từ những loại nhiên liệu rắn khó cháy hết như củi, than, và phân bò khô.

 

Khói bếp được xếp vào vị trí thứ tư trong số những tác nhân gây hại sức khoẻ lớn nhất ở các nước nghèo, thế nhưng điều này lại không được quan tâm, chú ý tới.

Mạnh Cường (TMT)