Lôi hình ảnh chiếc áo blouse ra để dụ
Mượn danh nghĩa trung tâm này hoặc viện kia, hay tên tuổi các vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành nói về một vài tính năng của sản phẩm không phải là ‘chiêu’ duy nhất trong quảng cáo.
Hiện trên truyền hình, nhiều thước phim quảng cáo xuất hiện hình ảnh blouse trắng còn nhấn mạnh hơn sự tin cậy đáng có.
Điển hình như trong thước phim quảng cáo cho một loại dầu ăn diễn tả một cuộc họp báo của các chuyên gia. Hoặc trong đoạn quảng cáo một loại sản phẩm vệ sinh cho trẻ sơ sinh có hình ảnh một bác sĩ bồng em bé và khuyến cáo mọi người sử dụng loại sản phẩm này.
Quảng cáo thuốc, kem đánh răng hay sữa cũng là một nhẽ, “đằng này, cả nước mắm, chất tẩy rửa cũng lôi hình ảnh chiếc áo blouse ra để dụ thì không thể nào hiểu được”, bác sĩ Nguyễn Thành bức xúc.
Nhiều đơn vị áo bảo hộ cũng không khác gì áo blouse |
Theo bác sĩ Thành, dư luận cần cực lực lên tiếng phản đối việc quá lạm dụng hình ảnh áo blouse xuất hiện mọi lúc, mọi nơi như vậy.
“Nếu không phải làm trong ngành y thì không nên mặc áo blouse. Không riêng gì quảng cáo lạm dụng hình ảnh này mà nhiều đơn vị sử dụng áo bảo hộ lao động cũng là màu trắng nhìn không khác gì áo blouse. Ai nhìn cũng nghĩ đó là bác sĩ”, ông Thành nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội cho rằng, tùy vào từng nội dung có thể sử dụng áo blouse trắng, tuy nhiên giới thiệu sản phẩm bảo vệ sức khỏe, dưỡng chất làm đẹp và cả mì gói mà mặc áo bác sĩ thì không nên.
Chỉ khi vào bệnh viện cán bộ mới được mặc blouse
Bác sĩ Dương Đình Phúc, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 354 cho biết, trong quy định của ngành y tế, chỉ khi nào vào trong bệnh viện các cán bộ mới được mặc áo blouse dù đó là bác sĩ, y tá, hay điều dưỡng.
Tuy nhiên, tuyệt đối cấm cán bộ mặc áo ra khỏi cổng viện. “Chưa cần nói đến mặc áo blouse đi quảng cáo, nếu chỉ cần phát hiện trường hợp nào mặc áo blouse ra khỏi cổng bệnh viện chắc chắn sẽ bị kỷ luật”, bác sĩ Phúc cho biết.
Dù rằng, trong thông tư số 13/2009/TT-BYT, ngày 1/9/2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế đã cấm hàng loạt các hoạt động liên quan đến quảng cáo như: cấm sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, khuyên dùng thuốc. Những người đang là công chức, viên chức không được tham gia giới thiệu thuốc.
Người mặc áo blouse quảng cáo nước rửa bồn cầu |
Quy định này cũng cấm quảng cáo thuốc kê đơn, vắc-xin, sinh phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Cấm lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc. Cấm lợi dụng kết quả kiểm nghiệm, các chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp, huy chương do hội chợ triển lãm cấp cho sản phẩm hoặc đơn vị để quảng cáo thuốc.
Mặc dù vậy, các thông tin quảng cáo vẫn hồn nhiên xuất hiện còn người tiêu dùng thì chìm trong biển thông tin mà không biết phải lựa chọn sản phẩm nào.
Bác sĩ Nguyễn Thành băn khoăn: “Làm thế nào để cấm được bây giờ?. Hình ảnh bác sĩ cứ xuất hiện, nói hay, nói tốt, đến khi người dân mua về dùng không đúng như vậy, họ làm sao tin bác sĩ nữa. Những người làm bác sĩ như chúng tôi không biết phải làm sao, chỉ bất bình, nói chuyện với nhau”, ông Thành chia sẻ.
Người dân hiểu biết về cách phòng và chữa bệnh cũng như sử dụng các sản phẩm hỗ trợ còn hạn chế, lại ngại đi khám bệnh, nên chuyện tin và làm theo quảng cáo là rất bình thường.
Bác sĩ Dương Đình Phúc cũng lo ngại: “Uy tín của bác sĩ, nhà khoa học sẽ ra sao khi quảng cáo luôn nói quá lên. Ngay cả đến rất nhiều loại thuốc, không thể có tác dụng như quảng cáo. Cái gì cũng phải có quá trình và kết hợp nhiều liệu pháp điều trị chứ không thể có một loại thuốc thay thực phẩm nào có tác dụng như thuốc tiên vậy”.
Hành vi nghiêm cấm:
Sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, khuyên dùng thuốc.
Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.
Sử dụng các loại kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa đủ cơ sở khoa học, chưa đủ bằng chứng y học để thông tin, quảng cáo thuốc.
Lợi dụng kết quả kiểm nghiệm, các chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp, huy chương do hội chợ triển lãm cấp cho sản phẩm và/hoặc đơn vị để quảng cáo thuốc.
Thông tư Số: 13/2009/TT-BYT, ngày 1/9/2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc. |