Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xin Thủ tướng hỏi thêm

(14:10:11 PM 10/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Thủ tướng đã đặt câu hỏi trong một cuộc họp: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

Ảnh minh họa
 

Quả thật lên vùng cao, thấy rằng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục rất lớn. Đó là sự thật. Nhưng những điều Thủ tướng nêu lại cũng là sự thật. Nhìn cảnh ăn uống của các em, cá nhân tôi cũng nhiều lần tự hỏi: Nước mình nghèo, nhưng có nghèo đến thế không? Có nghèo đến nỗi không thể cưu mang các cháu miếng ăn đủ dinh dưỡng?

 

Và qua những gì biết, tôi thấy là: không.

 

Bởi rõ ràng Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ các cháu học sinh vùng cao, đã chi tiền cho việc đó. Về nguyên tắc, nếu thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng đã ban hành trong mấy năm nay thì chưa phải tất cả, nhưng phần lớn học sinh nghèo vùng cao đã không phải ăn uống như trong câu hỏi của Thủ tướng.

 

Vậy nguyên do là ở đâu?

 

Ngày 21-12-2010, Thủ tướng có quyết định 85. Theo đó học sinh bán trú tại các trường tiểu học và THCS công lập vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% lương tối thiểu (hiện là mức 420.000 đồng/tháng). Quyết định có hiệu lực từ ngày 8-2-2011 và tiền hỗ trợ sẽ tính từ 1-1-2011.

 

Vậy nhưng vào cuối tháng 9-2011, tôi và bạn bè tận mắt nhìn thấy các cháu ở Suối Giàng (Yên Bái) ăn cơm với canh rau loãng và cơm, canh, củi cũng là từ tiền bố mẹ góp. Tiền hỗ trợ theo quyết định 85 chỉ đến với các em vào đầu năm 2012, vào khoảng giữa học kỳ II của năm học sau. Và gần đây các em mới được truy lĩnh tiền của năm tháng (từ tháng 1 đến tháng 5-2011). Hơn một năm kể từ khi quyết định có hiệu lực, hỗ trợ mới đến với học sinh dân tộc bán trú. Đó là tình hình chung, không chỉ ở Suối Giàng.

 

Ngày 9-2-2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 239 phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015, theo đó các bé 5 tuổi ở vùng biên giới, núi cao, hải đảo được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng để ăn trưa tại lớp. Quyết định có hiệu lực ngay sau ngày ký. Sau một năm rưỡi (tháng 8-2011) mới có thông tư liên bộ hướng dẫn thực hiện việc này từ đầu năm học 2011-2012. Cuối năm 2011, đến các xã biên giới, chúng tôi chứng kiến các trường chưa nhận được tiền. Với trẻ 5 tuổi, phải mất khoảng hai năm để từ chủ trương thành hiện thực (ít ra là ở những nơi chúng tôi biết).

 

Tất nhiên cùng ở một chỗ học mà trẻ 5 tuổi được ăn trưa, trẻ 3, 4 tuổi không có hỗ trợ thì thật khó cho các trường. Vì vậy, ngay từ lúc trẻ 5 tuổi trên thực tế chưa nhận được tiền hỗ trợ, ngày 26-10-2011 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 60, theo đó cả trẻ mầm non 3, 4 tuổi ở các vùng trên cũng được hỗ trợ ăn trưa như trẻ 5 tuổi (120.000 đồng/tháng). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2011. Nhưng cho đến hôm nay, đa số trong số 46 trường mầm non đang được chương trình thiện nguyện “Cơm có thịt” của chúng tôi giúp đỡ (tổng số 5.800 cháu 3, 4 tuổi) chưa nhận được tiền hỗ trợ này. Các cô giáo cho biết tiền đã được chuyển về huyện nhưng chưa chi vì thiếu văn bản hướng dẫn nên nơi làm, nơi chưa dám làm. Như vậy là đã 13 tháng trôi qua kể từ khi quyết định 60 có hiệu lực, hỗ trợ vẫn chưa đến được trẻ 3, 4 tuổi ở vùng cao.

 

Chứng kiến những điều trên, khi đọc câu hỏi “nhẹ nhàng mà nhức nhối” của Thủ tướng, tôi viết những dòng này, mạnh dạn đề nghị Thủ tướng hãy hỏi thêm một câu hỏi nữa đối với tất cả những cấp, những ngành có trách nhiệm thực hiện các chính sách rất vì dân, rất vì trẻ em đã được ban hành: Có những nguyên do khách quan hay chủ quan nào khiến việc trao cho các em miếng thịt cá, đơm cho các em bát cơm vẫn chậm trễ và nhọc nhằn đến thế, vì đó là trách nhiệm thi hành quyết định hành chính từ cấp điều hành cao nhất của Chính phủ? Và chúng ta có thể đành lòng nhìn sự chậm trễ này tiếp diễn không?

Trần Đăng Tuấn (TTO)