Người ta truyền rằng: “Quan trạng đi sứ Trung Quốc, vì giỏi đối đáp nên triều đình bên Tàu phong cho là Lưỡng quốc Trạng Nguyên và bắt lấy vợ bên đấy. Cụ mất ở bên Tàu, bà vợ người Trung Quốc cho làm 2 cái quan tài, một cái bằng đồng, một cái bằng gỗ rồi cho gọi bà vợ cả sang để làm tang lễ và nhận 1 cái quan tài về nước an táng. Người mình thấy quan tài bằng đồng thì nghĩ là xác để trong đấy nên nhận quan tài đồng mang về. Nhưng mang về nước mới biết ở trong chỉ có sách vở và đồ dùng hàng ngày của cụ chứ không có thi hài”. Câu chuyện này, chúng tôi được ông Lương Thế Minh, người coi giữ đền thờ trạng Lương Thế Vinh, đồng thời cũng là hậu duệ quan Trạng kể cho nghe trong một dịp về thăm đền.
|
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại quê hương ông (Cao Phương, Liên Bảo, Vụ Bản, Nam Định). |
Theo chính sử, sau gần 30 năm làm quan trong triều đình, Lương Thế Vinh về trí sĩ rồi mất tại quê. Vua Lê Thánh Tông vô cùng thương tiếc đã ban chiếu cho dân làng lập đền thờ ông ngay tại quê. Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh hiện nay nằm trong làng Cao Phương, xã Liên Bảo, Vụ Bản, Nam Định.
Bởi có sự khác biệt với chính sử nên câu chuyện của ông Minh gợi cho tôi sự tò mò và hoài nghi. Đem băn khoăn đó hỏi ông Minh, ông bộc bạch: “ Đấy là tôi nghe các cụ đời trước truyền lại kiểu giai thoại thế chứ cũng không biết có đúng hay không. Anh mà muốn tìm hiểu sâu thì đến tìm gặp ông Tam, ông ấy là người chuyên nghiên cứu về quan trạng chắc sẽ biết nhiều”.
|
Ông Lương Thế Minh, hậu duệ trạng Lường. |
Tìm đến nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam được ông phân tích: “Thứ nhất trong chính sử cho biết, cụ Lương Thế Vinh không đi sứ lần nào. Thứ 2, cũng
Đại Việt Sử ký, năm 1495 vẫn còn chép hoạt động của cụ trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Và đến năm 1496 thì vua Lê Thánh Tông có bài thơ viếng Lương Thế Vinh. Như vậy, chuyện đi sứ và mất ở bên Tàu là không có cơ sở”.
Thêm những truyền thuyết dân gian
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam cho biết thêm rằng, xung quanh thân thế và cuộc đời của trạng Lường còn rất nhiều giai thoại. Người ta truyền khẩu rằng, bà Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) khi mới vào cung hầu vua Lê Thái Tông, có đêm nằm mơ được lên Thiên đình. Ngọc Hoàng chỉ vào một tiên đồng phán truyền xuống đầu thai làm con bà để sau này làm vua nước Nam. Tiên đồng lừng chừng ý không muốn đi, bị Ngọc Hoàng lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu. Sau này khi sinh ra, trên trán hoàng tử Lê Tư Thành có cái sẹo giống như trong mơ của bà Ngọc Dao.
|
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam – người được GS Lê Văn Lan đánh giá là tác giả chủ lực trong nghiên cứu và viết về Lương Thế Vinh. |
Lại nói rằng, tiên đồng nài nỉ Ngọc Hoàng cho một người nữa xuống cùng để sau này làm bầy tôi giúp mình. Ngọc Hoàng chỉ vào một tiên đồng khác là Văn tinh quân. Văn tinh quân ý không muốn đi liền bị Ngọc Hoàng ấn vào vai bắt xuống. Đến khi Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên vào yết kiến nhà vua, Thái hậu Ngọc Dao trông thấy một bên vai Trạng nguyên bị lệch. Nhớ đến giấc mộng năm xưa, Thái hậu nói với vua Thánh Tông: “Đúng là Thượng Đế đã cho người bầy tôi tốt”.
Một câu chuyện khác kể rằng, nhà Minh xem thiên văn thấy sao Văn tinh sa xuống phương Nam. Biết nước ta sắp có nhân tài xuất hiện, triều Minh bèn sai thầy địa lý sang tìm cách yểm trừ. Ngày nọ, thầy địa lý đến quê trạng Lường. Nhìn thấy ngôi mộ của ông nội Lương Thế Vinh đặt ở thế đất “âm phần thiên táng”, lão bèn hỏi mộ nhà ai rồi tìm đến. Trông thấy Lương Thế Vinh khôi ngô tuấn tú, biết là đã tìm được người, lão bèn tìm cách dụ dỗ bố mẹ trạng rằng nhà có huyệt đất tốt nhưng phải cho con cái đi xa thì mới thành đạt và đặt vấn đề đưa Lương Thế Vinh đi để nuôi nấng cho học hành thành đạt. Biết thầy địa lý có ý xấu nhưng Lương Thế Vinh vẫn thuyết phục bố mẹ nhận của thày địa lý 100 lạng bạc để gia cảnh đỡ khó khăn còn mình sẽ đi theo thầy địa lý.
|
Tranh chân dung trạng Lường vẽ trên gỗ thờ tại đền. |
Tưởng đã thành công, thầy địa lý hí hửng đến đón cậu bé xuống thuyền theo sông Hồng mà đi. Đêm xuống cậu bé nhớ nhà cứ khóc mãi. Thầy địa lý dỗ dành mãi không được. Đến khuya lão mệt quá ngủ thiếp đi. Lợi dụng lúc lão ngủ say, Thế Vinh tụt xuống sông bơi vào bờ. Lúc tỉnh dậy, thầy địa lý không thấy cậu đâu thì rất hốt hoảng nhưng trông lên sao Văn tinh thấy sao mờ đi thì cho rằng, Thế Vinh đã ngã xuống sông chết đuối. Trong khi đó Lương Thế Vinh bơi vào bờ tìm vào một ngôi nhà nói rõ sự tình và xin ngủ nhờ. Cậu lại mượn chủ nhà một cái chậu múc nước đổ vào rồi đặt lên cái chõng che rồi chui xuống dưới chõng mà ngủ. Vì thế sao Văn tinh chiếu vào bị nước cản, mờ đi nên thầy địa lý cho là Thế Vinh đã chết dưới sông.
|
Bản phô tô bài thi trong kỳ thi Đình của trạng Lường. |
Những giai thoại này đều là truyền thuyết dân gian do người đời truyền miệng nhau. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đánh giá: “ Tôi cho rằng những giai thoại thế này chỉ là sự yêu mến của nhân dân đối với tài năng của quan Trạng nên thêu dệt thêm lên để cho thân thế của ngài ly kỳ hơn mà thôi”.
Thêm vào đó, lịch sử có một sự ngẫu nhiên là năm 1496, trạng Lường mất thì năm sau vua Lê Thánh Tông cũng băng hà. Có lẽ do vậy mà người ta càng tin vua và trạng là đôi tiên đồng từ thiên đình xuống. Dẫu sao thì triều đại Lê Thánh Tông cũng là triều đại hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong buổi hưng thịnh rực rỡ ấy, khoa thi năm Quý Mùi 1463 mà trạng Lường đỗ cũng là khoa thi rực rỡ nhất. Văn bia Tiến sĩ khoa Quý Mùi ca ngợi: “Khoa này thật là trung hưng bậc nhất, lấy được nhiều người tài giỏi, xán lạn hơn đời trước. Nhiều người được dùng, la liệt trong kinh ngoài trấn”.
Lương Thế Vinh sinh năm 1441 trong một gia đình không có truyền thống học hành nhưng với tư chất thông minh lại ham học nên năm 1463 trong khoa thi Quý Mùi, ông đã đỗ Trạng Nguyên dưới triều vua Lê Thánh Tông. Nét đặc biệt ở ông là ngoài văn thơ kinh sử, ông còn rất giỏi về tính toán. Bởi thế, dân gian quen gọi ông là Trạng Lường (Lường tức là tính toán). Không chỉ là một nhà khoa bảng lừng danh, trạng Lường còn là nhà toán học đầu tiên của nước ta. Ông đã viết cuốn Toán Pháp Đại Thành, cuốn sách về toán học đầu tiên. Trong sách ông đã trình bày về các phương pháp tính toán cộng trừ nhân chia, tính diện tích, đo đạc ruộng đất, tính bình phương và đặc biệt là lần đầu tiên lập ra bản cửu chương. Về căn bản bản cửu chương của ông gần giống ngày nay nhưng nó rút gọn hơn, các số tính về sau không nhắc lại. Chẳng hạn 1 lần 1 là 2 thì đến chương số 2 không nhắc lại 2 lần 1 nữa, cho đến chương 9 thì chỉ còn 1 phép là 9 lần 9 là 81. Lương Thế Vinh đã mất cách nay hơn 5 thế kỷ, tuy nhiên tấm gương học tập của trạng Lường trở thành một ngọn đuốc soi đường cho các học sinh ngày nay phấn đấu học tập. Trên cả nước có rất nhiều trường học được mang tên Lương Thế Vinh. Ông Lương Thế Minh cho biết, hàng năm, vào ngày giỗ trạng nhiều trường tổ chức về dâng hương và báo cáo thành tích học tập.