Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng có phong trào chăn nuôi trong nông hộ phát triển từ hơn chục năm nay. Xã thường xuyên có gần 800 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn duy trì hơn 5.000 con. Chăn nuôi với số lượng lớn nhưng diện tích đất của mỗi gia đình khá hẹp, bình quân chỉ khoảng hơn 200m2/hộ. Vì thế, môi trường trong khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nguồn chất thải chăn nuôi. Từ khi được tiếp cận dự án khí sinh học, các hộ dân trong xã đã tích cực đầu tư xây dựng hầm Biogas để bảo vệ môi trường. Đến nay, hơn 50% số hộ chăn nuôi của xã đã xây dựng gần 400 hầm Biogas; trong đó, từ dự án khí sinh học xây dựng 145 hầm, còn lại người dân tự đầu tư. Bình quân mỗi năm trên địa bàn xã phát triển thêm được 30 - 50 hầm Biogas. Việc xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học đang được nhân rộng tại địa phương do phát huy tác dụng kép, vừa xử lý ô nhiễm môi trường, vừa cung cấp chất đốt hàng ngày cho sinh hoạt của người dân.
Anh Lê Đức Thọ - một người dân của xã Hoàng Tây thường xuyên nuôi 30 con lợn/lứa. Ngay từ khi dự án khí sinh học được triển khai trên địa bàn, anh đã đăng ký tham gia. Khi đó cùng với 1 triệu đồng tiền hỗ trợ của dự án, gia đình anh đã đầu tư thêm hơn 5 triệu đồng xây dựng hầm Biogas 10m3. Có hầm Biogas, toàn bộ chất thải chăn nuôi của gia đình được xử lý triệt để, không những vậy từ nguồn khí sinh học này gia đình anh Thọ còn sử dụng cho việc đun nấu hàng ngày. Gần đây, khi quy hoạch lại chuồng trại, anh đã đầu tư xây dựng một hầm mới 12 m3 thay thế hầm cũ. Anh Thọ cho biết: Với gia đình tôi, hầm Biogas đã thực sự đem lại hiệu quả. Gần chục năm qua nếu không có công nghệ này không biết chất thải chăn nuôi của gia đình tôi sẽ phải xử lý như thế nào. Từ khi có hầm, lượng chất thải được xử lý, hạn chế tối đa mùi hôi, thối gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi tháng gia đình tôi còn tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng tiền chất đốt.
Tính chung từ các chương trình và người dân tự làm đến nay toàn tỉnh Hà Nam đã xây dựng được hơn 10.000 hầm Biogas, tập trung nhiều ở các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ trong khu dân cư với số lượng dưới 50 con lợn thịt/lứa. Đánh giá về việc áp dụng công trình khí sinh học Biogas vào chăn nuôi, ông Đào Ngọc Nông, kỹ thuật viên dự án khí sinh học ở Hà Nam cho biết: Qua kiểm tra các mô hình khí sinh học Biogas đều cơ bản phát huy hiệu quả. Quan trọng nhất, toàn bộ lượng chất thải chăn nuôi ở những hộ sử dụng hầm Biogas được xử lý tốt không còn tình trạng chất thải đổ trực tiếp ra cống rãnh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Với các hộ sử dụng hầm Biogas còn thu được nguồn khí thường xuyên phục vụ đun nấu hàng ngày, giảm cơ bản chi phí chất đốt. Không những vậy, chất thải được xử lý qua hầm Biogas còn là nguồn phân hữu cơ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Trong những mô hình hầm Biogas được xây dựng chỉ có từ 3 - 5% kém hiệu quả, do người dân khi sử dụng không đúng kỹ thuật như: nạp nguyên liệu quá nhiều hoặc quá ít, tỷ lệ pha với nước không hợp lý dẫn quá loãng hay quá đặc, nguyên liệu có nhiều tạp chất...
Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng hầm Biogas bởi sử dụng công nghệ Biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh, tạo khí đốt là xu hướng tất yếu để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.