Khói đen từ KCN Đức Hòa 2 liên tục thải ra môi trường. Ảnh: MINH KHANH
Sống trong ô nhiễm
Chị Lê Thị Lan, một người dân sống gần KCN Đức Hòa 1 (ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) cho biết vào những ngày mưa, mùi thuốc trừ sâu nồng nặc; mùa nắng, người dân bị tấn công bởi mùi nước cống vì đa số cống nước thải ở đây được thiết kế dạng hở.
Khắp các kênh nội bộ trong KCN đều bị phủ kín bởi rác thải. Dọc theo kênh Ranh (giáp ranh Long An - TPHCM), cống xả từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Đức Hòa 2 (xã Mỹ Hạnh Bắc) có màu nâu đen và mùi hôi khó chịu.
Ba ngày liền ở xã Mỹ Hạnh Bắc, chúng tôi đều chứng kiến cảnh khói đen cuồn cuộn bốc lên từ các nhà máy trong KCN Đức Hòa 2 cả ngày lẫn đêm. Người dân xã Mỹ Hạnh Bắc cho biết tình trạng xả khói đen này kéo dài từ nhiều năm nay, những hôm mật độ xả dày đặc, các khu dân cư cách xa khoảng 1 km vẫn ngửi được mùi khét.
Hệ thống xử lý: Chỉ là hình thức
Tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, nhiều cánh đồng lúa úa vàng, xơ xác. Người dân cho biết ruộng ở đây sử dụng nước tưới từ một nhánh của kênh Ranh. Con kênh này trước kia cũng lắm tôm cá nên ngoài trồng lúa, còn có nhiều hộ dân ấp Mới 2 làm nghề đánh bắt.
Khoảng 6-7 năm trở lại đây, con kênh bị ô nhiễm do nước thải từ KCN Hoàng Gia và các công ty sơn tĩnh điện gần đó. Người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, thậm chí có đơn kêu cứu nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ông Bùi Văn Long, một người dân ở ấp Mới 2, cho biết lúa ở khu vực này nhiều năm nay bị mất mùa vì thiếu nước tưới do nước kênh bị ô nhiễm. “Chúng tôi buộc phải dẫn dòng nước đen, thối về ruộng nhưng chỉ lấy được 2 lần thôi, lúa lên bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứ lấy thêm lần thứ ba là lúa chết! Một trại nuôi ba ba khá quy mô đã phải đóng cửa vì nguồn nước ô nhiễm” - ông Long cho biết.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Hoàng Gia. Nằm sâu trong bãi đất trống cỏ mọc um tùm, hạ tầng xây dựng xuống cấp, một số đã bị gỡ đi mất, số còn lại thì gỉ sét, các bể lắng đã bỏ hoang từ lâu, bùn thải không được xử lý đổ thẳng ra các khu đất xung quanh đã khô cứng... Hiện trạng này cho thấy nhà máy từ lâu đã không hoạt động.
Do ý thức kém?!
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An, việc quản lý môi trường trong các KCN không phải trách nhiệm của sở mà thuộc trách nhiệm Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An. Trong khi đó, ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An (LAEZA), cho biết nguồn nước thải từ các nhà máy xử lý nước thải tập trung do Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An quản lý.
LAEZA chỉ quản lý nguồn nước thải từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất đổ về nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng hiện nay, Ban Thanh tra của LAEZA không có quyền xử phạt DN mà chỉ lập biên bản ghi nhận và báo cáo cơ quan chức năng. Tháng 12-2012, Công ty TNHH Tongye China trong KCN Đức Hòa 2 bị xử phạt 145 triệu đồng do xả khí thải, bụi vượt quy chuẩn trên 5 lần, không thực hiện đúng và đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ông Phi cũng thừa nhận ý thức các DN trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Bên cạnh đó, nhà máy thường gặp khó khăn trong vấn đề xử lý trước khi đưa ra môi trường do nguồn nước thải của các DN thứ cấp có nồng độ cao. “Điều đáng báo động là các cụm công nghiệp, các DN nhỏ lẻ bên ngoài KCN không có nhà máy xử lý nước thải tập trung mà thải trực tiếp ra môi trường” - ông Phi nói.
Đe dọa hệ thống thủy lợi TPHCM
Công ty TNHH MTV Quản lý, Khai thác dịch vụ thủy lợi (Công ty Thủy lợi) TPHCM vừa có văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng về chất lượng nước kênh Ranh. Công ty Thủy lợi cho biết qua kiểm tra đã phát hiện KCN Đức Hòa 1, Đức Hòa 2 và Hoàng Gia (huyện Đức Hòa) xả nước ô nhiễm vào kênh Ranh. Quan trắc diễn biến chất lượng nước 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy chất lượng nước mặt kênh Ranh bị suy giảm nghiêm trọng: các thông số BOD, COD, Cl-, Fecal coliform đều vượt chuẩn cho phép, Fe vượt chuẩn từ 1-10 lần… Nguồn nước ô nhiễm khiến hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh của TPHCM đang bị đe dọa.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi, hiện nay phải tăng cường sử dụng nước từ kênh Đông về pha loãng ô nhiễm cho hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh. Ngoài ra, hệ thống vận hành mà công ty xây dựng và đang áp dụng cũng bị đảo lộn do phải canh theo mức độ ô nhiễm để đóng mở các van xả nhằm giảm đến mức thấp nhất nguồn nước ô nhiễm tràn vào khu vực canh tác của người dân.
|