|
Nông dân lo lắng vì khoai rớt giá |
Dọc các huyện Tam Bình, Bình Tân và Bình Minh (Vĩnh Long) vùng trồng khoai chìm sâu trong vẻ ảm đạm. Nhiều ruộng khoai lang đã quá lứa nhưng người trồng không thèm thu hoạch, bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư Phúc, hộ trồng khoai chuyên nghiệp ở huyện Bình Tân cho biết, trước đây nhiều hộ tranh nhau thuê đất trồng khoai xuất khẩu với giá 40 - 60 triệu đồng/ha/năm. Tính toán chi phí, cộng vốn đầu tư giống khoai, phân thuốc, nhân công… đã lên đến 150 - 170 triệu đồng/ha; trong khi giá bán khoai rớt thảm hại và không đủ tiền thuê người thu hoạch, tính ra đã lỗ đứt vốn.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cho biết, hồi đầu năm những thương lái ở huyện Bình Tân sang thuyết phục ông để thuê 2ha đất ruộng để trồng khoai lang xuất khẩu, thời hạn thuê đất là ba năm. Nhưng chỉ chưa đầy năm đầu, người thuê đã bỏ chạy vì lỗ. Đất trồng khoai phải san bằng để trồng lúa.
Tại huyện Bình Tân, lúc cao điểm có tới 7.000ha khoai lang, diện tích dẫn đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những ngày qua, đã có khoảng 500 - 600ha khoai lang xuất khẩu được người dân phá bỏ chuyển sang trồng lúa, trồng khoai trắng bán nội địa hoặc trồng cây khác; thậm chí có hộ bỏ ruộng hoang cho cỏ mọc vì không có chi phí cày xới.
Bấp bênh
Trong lúc người trồng khoai lang xuất khẩu bị vỡ nợ, thì những hộ trồng cây khoai mì để lấy lá bán ở Hậu Giang cũng vỡ mộng.
Ông Huỳnh Văn Bảy, ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành cho biết, ở Hậu Giang và những tỉnh khác trong vùng ĐBSCL trước đây chỉ trồng khoai mì bán củ. Tuy nhiên, vài năm gần đây một số thương lái tìm đến hỏi mua lá khoai mì với giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Do cây khoai mì dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, nhưng bán lá được giá cao nên nhiều hộ mạnh dạn trồng. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lứa đầu chỉ 2 tháng, sau đó tiếp tục thu hoạch thường xuyên, bình quân tới 6 - 7 đợt bán lá mới hết vụ.
Như vậy, với giá này, nông dân sẽ có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ha/đợt bán lá khoai mì. Nhưng khi diện tích phát triển nhiều lên thì gần đây giá giảm lại và thương lái hạn chế thu mua làm nông dân lo lắng.
Trước đây, khi khoai mì cao khoảng 7 tấc là có thể cắt gần sát gốc để bán, sau đó bón phân tưới nước chờ thu hoạch đợt tiếp theo. Nhưng hiện nay, giá lá khoai mì sụt chỉ còn 1.100 - 1.200 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, nhưng thương lái chỉ mua của những hộ thân quen, còn những hộ trồng tự phát thì khó tiêu thụ.
Thêm trở ngại của việc trồng khoai mì lấy lá bán là từ khi cắt thân một lần thì khoai mì rất khó cho củ, nếu có cũng chỉ là củ nhỏ và toàn xơ không thể sử dụng được. Nhiều hộ thừa nhận do thấy có lời nên tự phát trồng khoai mì bán lá, còn thương lái thu gom lá khoai mì dùng vào mục đích gì, tiêu thụ nơi đâu… thì không hay biết.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho rằng, thống kê ban đầu diện tích trồng khoai mì bán lá ở huyện khoảng 7ha, chủ yếu trồng xen với vườn cây ăn trái, bờ bao… nhưng huyện không khuyến khích phát triển loại cây này, bởi đầu ra bấp bênh.
Cũng theo ông Hành, đầu ra của lá khoai mì do một vài doanh nghiệp ở địa phương thu mua, sấy khô, đóng gói để xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Huyện cũng đang tìm hiểu nhưng chưa phát hiện bất kể một thương lái Trung Quốc nào sang thu gom lá khoai mì, hoặc thuê đất trồng.