“Sản phẩm được các nhà khoa học khuyên dùng”; hay “sản phẩm được chứng nhận bởi Viện Pasteur”... là những lời “rao” như một sự đảm bảo về chất lượng mà không ai biết rằng sự đảm bảo ấy được thực hiện như thế nào.
Trong tất cả các kết quả xét nghiệm cuối cùng đều có dòng chữ: “Không sử dụng kết quả này vào mục đích quảng cáo”.(Ảnh minh họa) |
Câu chuyện về trà Dr.Thanh cách đây không lâu cũng khiến xao động thị trường thuộc trường hợp như vậy.
Trước đó, một bài viết quảng bá sản phẩm của loại trà này đã dẫn kèm lời của một nhà khoa học thuộc Học viện Quân y. Bài báo cho rằng ông là một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu về y dược và mới đây là trà thảo mộc Dr. Thanh.
Theo lời dẫn bài báo, nhà khoa học này đã khẳng định, do trà Dr. Thanh được làm từ 9 loại thảo mộc quý là: kim ngân hoa, hoa cúc, la hán quả, hạ khô thảo, cam thảo, đản hoa, hoa mộc miên, bung lai và tiên thảo có tác dụng giải nhiệt và thanh lọc cơ thể. Uống vào sẽ thấy sảng khoái, tinh thần phấn chấn, hoạt bát hơn là bởi các tác dụng y dược có trong loại trà này.
Không riêng gì trà, đồ uống, hiện cũng không ít các đoạn băng quảng cáo trên truyền hình về xà phòng, kem đánh răng, dầu gội… đều nghiễm nhiên “cộp” dấu chứng nhận của Viện Pasteur hay Hiệp hội Nha khoa quốc tế sau hàng loạt những tính năng tuyệt vời được giới thiệu trước đó.
Chị Trần Anh Đào, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội cho biết, vẫn biết quảng cáo bao giờ cũng nói hay, nói tốt cho sản phẩm nên đôi lúc người tiêu dùng không tin. Thế nhưng khi nghe đến có sự đảm bảo của nhà khoa học thì không tin sao được (?!).
“Chúng tôi có nên tin tưởng khi có sự đảm bảo của nhà khoa học về chất lượng sản phẩm hay không?”, chị Đào băn khoăn.
Nhiều bạn đọc thắc mắc không biết các nhà khoa học được lợi gì, sự khách quan đến đâu khi họ đứng sau các thông tin quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp?