Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Để tổ chức tốt việc lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị 22, khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến "là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị". Việc này nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của người dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần đưa việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào sinh hoạt của chi bộ, đảng bộ. Lãnh đạo tổ chức, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương; đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết để tổ chức tốt việc lấy ý kiến người dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; đồng thời, chỉ đạo tổ chức, đơn vị tập hợp, xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phản ánh đầy đủ và chính xác ý kiến của nhân dân.
Trước đó, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, thời hạn lấy ý kiến bắt đầu từ 2/1/2013 và kết thúc vào 31/3/2013.
Theo ông Phan Trung Lý Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992), dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi là kết tinh của quá trình lao động, tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học. Dự thảo chính thức để người dân tham gia góp ý được đăng tải trên website dự thảo online.
Theo dự thảo này, 8 nội dung sửa đổi được lấy ý kiến gồm Lời nói đầu của Hiến pháp; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Dự kiến vào tuần tới, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về triển khai lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trong một ngày.