Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ai là hung thủ giết hại vua Lê Nhân Tông?

(14:21:51 PM 01/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Vụ án Lệ Chi Viên xảy ra từ hơn 500 năm trước đã khiến vua Lê Nhân Tông chết đột ngột ở tuổi 20 và cũng khiến người anh hùng Nguyễn Trãi phải chịu tru di tam tộc. Đó là vụ án oan và thảm khốc vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Án oan thảm khốc

 
Lịch sử ghi nhận, trong cuộc kháng chiến chống Minh, công lao của Nguyễn Trãi rất lớn. Mọi mưu kế, sách lược kháng chiến của nghĩa quân Lê Lợi đều do Nguyễn Trãi tính toán. Riêng về vấn đề thư từ qua lại với quân địch (ngày nay ta gọi là công tác địch vận), qua tập sách Quân Chung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi, học giả đời sau đều tán thán rằng, mỗi bức thư gửi đi có sức mạnh như cả ngàn vạn binh mã. Công lao đến như thế, nhưng khi kháng chiến thành công, nhà Lê thành lập thì Nguyễn Trãi lại dần dần bị triều đình hắt hủi vì ông thẳng tính, không chịu luồn cúi. Gần cuối triều vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi từ quan về sống ở Côn Sơn. Tại đây ông đã viết bài thơ Côn Sơn Ca nổi tiếng. 
 
Đền thờ vua Lê Thái Tông tại thị xã Sơn La. Nơi đây trong một lần đi đánh quân phản loạn, nhà vua đã dừng chân nghỉ ngơi và làm một bài thơ khắc vào vách đá ở cửa một hang động.

Tuy nhiên, khi Lê Thái Tổ băng hà, Lê Thái Tông lên ngôi đã lại trọng dụng Nguyễn Trãi, cử ông làm quan phụ trách việc quân, dân, bạ tịch ở khu vực Đông Bắc. Nhưng cũng không ngờ rằng, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, tai họa lại giáng xuống đầu Nguyễn Trãi. Đại Việt sử ký chép về vụ án Lệ Chi Viên: “Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh) bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”.

Chỉ 12 ngày sau khi vua Thái Tông chết, cả ba đời nhà Nguyễn Trãi cũng bị tru di. Kế đó, đến ngày 9 tháng 9 giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì khi Nguyễn Trãi sắp bị tử hình có nói là hối hận không nghe lời của Thắng và Phúc. Điều khiến hậu thế thương cảm cho Nguyễn Trãi không chỉ vì ông bị oan mà còn vì ông bị chính cái triều đình mà ông góp công dựng nên khép tội. Trong triều đình lúc ấy, những nhân vật quyền thế như Lê Ngân, Lê Sát đều là bạn chiến đấu của ông từ ngày ở hội thề Lũng Nhai năm 1418. Mặc dù thế, không những Nguyễn Trãi mà cả ba họ liên quan đều bị giết theo. Thật là một sự tàn bạo, thảm khốc.
 
Đâu là hung thủ thật sự?
 
Mặc dù đến triều vua Lê Thánh Tông, nhà vua đã minh oan cho Nguyễn Trãi nhưng nhiều sách sử sau đời Lê khi viết về sự kiện Lệ Chi Viên vẫn ghi tội Nguyễn Thị Lộ giết vua. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí khẳng định rằng, Nguyễn Thị Lộ đã dùng thuốc độc giết vua: “Năm Nhâm Tuất (1442), ông (Nguyễn Trãi) 63 tuổi, vì có vợ tên là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ...Ông có văn chương mưu lược...làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc”.

 Chân dung Nguyễn Trãi – Người anh hùng dân tộc và cũng là người mang nỗi oan ức lớn nhất thiên hạ.

Cho đến gần đây, trong nỗ lực tìm hiểu để nhìn nhận khách quan sự kiện lịch sử này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác để minh oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi. Theo đó, thủ phạm giết vua bất ngờ lại chính là vợ thứ vua Thái Tông – Nguyễn Thị Anh (mẹ vua Lê Nhân Tông).

Các nhà nghiên cứu: Phan Duy Kha, Đinh Công Vĩ, Lã Duy Lan trong cuốn sách “Nhìn lại lịch sử” cho rằng: trước khi vua Thái Tông mất đã truất ngôi thái tử của Nghi Dân (con của bà phi Dương Thị Bí) để phong cho Bang Cơ (con của bà phi Nguyễn Thị Anh). Tuy nhiên, lúc đó lại có nhiều lời đồn đại rằng, Bang Cơ không phải là con của vua Thái Tông. Mặt khác, bài học nhãn tiền, hoàng tử Nghi Dân vừa bị phế truất ngôi thái tử sau khi nhà vua chán bà phi Dương Thị Bí. Lo sợ nhà vua còn trẻ rồi sẽ còn tái diễn cảnh "có mới nới cũ" mà một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao cũng vừa sinh con trai xong. 

Khi bà Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) mang thai đã bị bà Nguyễn Thị Anh tìm nhiều cách hãm hại nhưng vợ chồng Nguyễn Trãi hết lòng che chở cho. Vì những lý do đó, khi vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông về nghỉ ở chỗ Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Anh đã sai người ra tay giết vua để đổ vạ cho Nguyễn Trãi nhằm trả thù và cũng để cho ngôi vua của con bà chắc chắn. Một mũi tên trúng hai đích. Đó là các lập luận của những nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây.

 Tượng Nguyễn Thị Lộ ở đền thờ bà tại quê hương Hưng Hà,Thái Bình.

Không chỉ có vậy, các nhà nghiên cứu trên còn tham khảo cả cuốn gia phả của dòng họ Đinh, hậu duệ của Đinh Liệt. Trong đó đặc biệt có một số bài thơ nói về sự việc vua Thái Tông chết cũng như nguồn gốc của vua Nhân Tông:

Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa
Chủ kháo Tống khai vi linh dược
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa

“Nhung tân” đọc lái là Nhân Tông, tức là Bang Cơ con Nguyễn Thị Anh, “thịnh y” là “thị Anh”. 

Bài này có thể tạm dịch:
 
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha

Lại có một bài thơ khác nói về việc hai hoạn quan bị giết:

Hung Tân hà hữu Tống thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh

Chữ Thăng Đính đọc ngược là Đinh Thắng, Tống Thai đọc ngược là Thái Tông. Bài thơ này dịch là:

Nhân Tông không phải máu Nguyên Long
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm

Từ trước khi có những lập luận như trên rất lâu, khi Nghi Dân cướp ngôi vua đã ban chiếu nói rằng: “Diên Ninh (Nhân Tông) tự biết không phải là con của tiên đế, vả lại lòng người lìa tàn, ngày mồng 3 tháng 10 năm nay khiến trẫm thay ngôi.” Tuy nhiên, vì Nghi Dân cướp ngôi vua và không được lòng các triều thần nên sau đó bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa phế bỏ cho nên điều Nghi Dân nói Nhân Tông không phải con của Thái Tông không được chú ý.
(Nguồn: Vũ Tiến Đức /Kiến thức)