Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Thanh Hóa: Phát lộ ngôi mộ táng của người tiền sử
(08:14:22 AM 01/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Khai quật hang Con Moong (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, Việt Nam), các nhà khảo cổ phát hiện hàng tấn vỏ ốc, rất nhiều công cụ lao động từ thời đồ đá cũ đến đồ đá mới. Giá trị nhất là tìm thấy di cốt của người tiền sử được chôn cất trong ngôi mộ táng niên đại ước tính lên tới chục nghìn năm.
Hang Con Moong.
Theo các nhà khoa học, đây là di tích mộ táng của cư dân thời đại Đồ Đá. Bấy giờ, người nguyên thủy chưa biết làm nhà mà sinh sống quần tụ trong các hang đá. Hang Con Moong chính là “ngôi nhà lớn” của người Việt cổ. Nhưng đây không chỉ là nơi cư trú, mà còn là khu mộ táng.
Khi đào đến độ sâu 3,6m, các nhà khảo cổ phát hiện di cốt của bốn cá thể, thuộc nhiều mộ, ở độ sâu dưới 3,2m, thuộc hậu kỳ Đá Cũ. Trong số đó, có một mộ khá nguyên vẹn, chôn theo tư thế nằm co, bó gối, có đồ tuỳ táng là công cụ lao động bằng đá.
Các chuyên gia khảo cổ nhận định, có thể đây là tục trói người chết trước khi đem chôn, vì sợ hãi “con ma” trở về làm hại người sống. Ba ngôi mộ có cấu trúc độc đáo, xung quanh xếp đá hộc, đáy rải đá răm, lại được quàn gần bếp lửa, phản ánh tâm lý muốn người chết luôn luôn gần gũi với mình, có mộ còn được rắc thổ hoàng để trang trí.
Điều này cho thấy người xưa đã có ý niệm về thế giới bên kia nên đã chôn theo người chết một số công cụ sinh hoạt bằng đá và một số đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể.
Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm về hang Con Moong đầy bí ẩn này. Với việc phát hiện nhiều di tích, Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với di sản này.