Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Chiều tối nay vùng tâm bão ở các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh
Nhiều nhà dân ở Hà Tĩnh đã bị tốc mái - Ảnh Văn Định
Hà Tĩnh: Gần 1000 ngôi nhà bị tốc mái
Theo Tuổi Trẻ, đến 18g ngày 24-8, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có ba người bị thương gồm ông Chu Văn Hướng, Trần Nho Thiết (đều ở xóm 2, xã Tân Lộc) và ông Phạm Bá Tuấn (ở xã Ích Hậu) phải chuyển đi cấp cứu.
Theo thống kê ban đầu huyện này có 11 nhà sập, 444 nhà bị tốc mái, 77 phòng học bị hư hỏng và 2.660 ha lúa bị ngập nặng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch huyện Nghi Xuân, cho biết số nhà cửa bị bão làm sập và tốc mái không thể thống kê hết. Riêng xã Xuân Song đã có đến 500 ngôi nhà bị tốc mái.
Đến 19g ngày 24-8, theo BPCBL Hà Tĩnh vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Hiện cây cối, cột điện bị ngã đổ cản trở giao thông đi lại rất khó khăn. Cột ăng ten viễn thông ở huyện Nghi Xuân bị sập gãy. Lúa hè thu bị bão làm đổ và ngập 10.500 ha... Trong khi chống bão ở xã Gia Hanh, Can Lộc có thêm một người bị thương, nâng số người bị thương do bão số 3 gây ra là bốn người.
Nghệ An: 3000 nhà tốc mái, ba tàu bị chìm
Đêm 24-8, bão số 3 đổ bộ vào Nghệ An đã làm ba người bị thương; hơn 3.000 nhà bị tốc mái, ngập, một tàu chở hàng mắc nạn và ba tàu đánh cá của ngư dân bị chìm.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, anh Võ Đình Hương và anh Viêm (ở xóm 8, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị bão quật bị thương nặng; một người dân xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) leo lên mái nhà sửa mái bị tốc đã bị bão đẩy ngã từ trên mái nhà xuống gãy chân.
Ba tàu đánh cá của ngư dân ở xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) và xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) neo đậu bên bờ biển bị sóng đánh đứt neo, chìm xuống biển.
Tại huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi tâm bão đi qua khiến hơn 3.000 nhà dân bị tốc mái và sập; hàng trăm cột điện lớn, nhỏ ngã đổ; gần 20.000 ha lúa sắp thu hoạch và hoa màu bị nhấn chìm trong nước.
Quảng Bình: Gần 100 hộ bị chia cắt bởi nước lũ
Dân Trí cho biết cơn mưa dai dẳng có nơi lên tới 400mm từ đêm 23 đến chiều 24/8 khiến nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình bị lụt cục bộ. Đặc biệt, tuyến độc đạo từ đường Hồ Chí Minh vào các bản Yên Hợp, Ón và Mò Ô Ồ Ồ - nơi có 85 hộ với khoảng 220 khẩu đồng bào Rục sinh sống - bị nước lũ dâng cao, chia cắt hoàn toàn.
Cũng tại huyện Minh Hóa (nơi người Rục sống tập trung hiện nay), lũ lụt đã làm tuyến QL12A lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị chia cắt, có đoạn ngập sâu hơn 1m.
Theo báo cáo của ban chỉ huy phòng chống lụt bão&tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, trận mưa lớn kéo dài hơn một ngày đã khiến 3.000 ha lúa hè thu vùng trũng bị ngập úng, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.
Nhiều nơi mưa to
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều tối nay, vùng tâm bão số 3 đã đi vào địa phận Thanh Hóa – Nghệ An. Do ảnh hưởng của bão ở nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tính đến 19g tối nay, tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 – 200mm; một số nơi có mưa lớn hơn như TP.Vinh 329mm; TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 273mm; Tuyên Hóa (Quảng Bình) 261mm…Tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cấp 6, giật cấp 9; đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Quỳnh Lưu (Nghệ An) cấp 9, giật cấp 12; tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cấp 7, giật cấp 9; TP. Vinh cấp 7, giật cấp 9; Văn Lý (Nam Định) cấp 7, giật cấp 9….
Hồi 19g ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 105,5 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Đến 07 giờ ngày 25/8, vị trí trung tâm áp thấp ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 103,5 độ kinh đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to; các nơi khác thuộc Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 3 mét.
Hà Nội còn mưa 2-3 ngày tới
Theo Đài Khí tượngThủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, từ chiều tối 23/8, ảnh hưởng của rìa và hoàn lưu bão Mindulle, bầu trời Hà Nội đầy mây đen, mưa từng đợt. Từ đêm nay đến ngày mai, khi bão đi sâu vào đất liền, một số điểm ở Hà Nội sẽ có mưa 50-100 mm. Trong 2-3 ngày tới, thủ đô vẫn còn mưa. Phải đến ngày 27/8, ảnh hưởng của hoàn lưu bão mới hoàn toàn tan biến.