Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát hiện công trường khai thác đá cổ xây thành nhà Hồ Tin ảnh

(10:00:36 AM 28/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Từ những phiến đá vuông vức nổi trên mặt đất, các nhà khoa học nhận định, dãy núi Xuân Đài thuộc xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) chính là nơi Hồ Quý Ly cho quân lính chế tác đá đem về xây thành cách đây hơn 600 năm.

Ngày 25/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ cho biết, cán bộ trung tâm vừa phát hiện thêm một công trường khai thác đá cổ nằm trên dãy núi Xuân Đài, cách thành nhà Hồ khoảng 5 km về phía nam.

 

Tại chân núi hiện còn 16 phiến đá được bóc tách và chế tác tương đối công phu, bề mặt nhẵn. Trong đó có nhiều phiến kích thước tương đối lớn, ước tính lên tới hàng chục tấn. Khi đem so sánh, kỹ thuật chế tác đá ở đây giống như những phiến đá được dùng để xây dựng thành nhà Hồ.

 

Là núi đá vôi được kiến tạo vào kỷ Trias (cách ngày nay khoảng 250 đến 200 triệu năm), núi Xuân Đài có độ cao trung bình trên 100 m, chia thành những vỉa theo kiểu đoạn tầng, rất tiện lợi cho việc bóc tách thủ công. Ảnh: Lê Hoàng.

 

Ngoài ra, tại sườn phía đông dãy núi Xuân Đài còn rất nhiều phiến đá đổ ngổn ngang. Tuy chưa thấy dấu vết chế tác nhưng các phiến đá trên có hình dạng khá vuông vức, kích thước cân đối. Theo nhà chuyên môn, các phiến đá này được người thợ thời Hồ bóc tách và đưa xuống chân núi sau đó mới sơ chế trước khi đưa về xây dựng thành Tây Đô.

 

“Việc phát hiện công trường khai thác đá cổ tại núi Xuân Đài có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn và khoa học, chứng tỏ để xây dựng thành An Tôn, nhà Hồ đã huy động một khối lượng khổng lồ về nhân lực, vật lực để khai thác và vận chuyển những phiến đá lớn từ nhiều nơi về xây dựng thành”, ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ nhấn mạnh.

 

Trước đó, trong đợt khai quật tại công trường khai thác đá cổ ở dãy núi An Tôn (thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vào cuối năm 2011, các chuyên gia Viện khảo cổ đã phát lộ nền của các lán trại, nơi những người thợ sinh sống trong thời gian khai thác, chế tác đá để xây thành nhà Hồ.

 

Nhiều phiến có khối lượng rất lớn, ước tính lên đến cả chục tấn. Ảnh: Lê Hoàng.

 

Nền được làm bằng đất sét trộn đá dăm tương đối vững chắc. Các lớp đá dăm cổ này dày tới 80 cm (do quá trình tách, đục đẽo từ các phiến đá lớn thải ra), trải rộng trên mặt bằng hàng trăm mét. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện trên dãy núi An Tôn có nhiều hiện vật quý như: dụng cụ khai thác đá đã hoen rỉ, các mảnh bát đĩa và mảnh vật dụng sinh hoạt khác bằng sành sứ thời Trần - Hồ.

 

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

 

Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lê Hoàng (VnExpress)