Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bão làm 19 người chết và mất tích, thiệt hại 800 tỷ đồng

(00:13:52 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê sơ bộ ban đầu (cập nhật từ thông tin PV Tiền Phong có được và Ban chỉ đạo PCLB các địa phương), bão số 3 làm 9 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại hơn 800 tỷ đồng.

>> Bão số 3 đi dọc bờ – Bất thường?


Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại Nghệ An- Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Long.


Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, đến hôm qua 25-8, bão số 3 đã suy yếu thành vùng áp thấp. Tuy nhiên, do hoàn lưu của bão, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

 

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, bão làm sập 24 nhà, tốc mái trên 4.100 nhà, chìm và hư hỏng gần 30 tàu thuyền, mất tích 1 tàu; gần 25.000 ha lúa bị ngập úng, 7.300 ha hoa màu hư hỏng, hàng trăm hécta thủy sản bị ngập…

 

Ở các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 200 mm, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến 200 - 250mm. Đặc biệt một số nơi lượng mưa trên 300mm như: Đô Lương (Nghệ An) 303mm; TP Vinh 408mm; TP Hà Tĩnh 318mm; Minh Hóa (Quảng Bình) 307mm…

 

Nghệ An - Hà Tĩnh tan hoang

 

Theo báo cáo của UBPCLB Nghệ An ngày 25-8, toàn tỉnh có 6 người chết (trong đó huyện Quỳnh Lưu 3 người; Nghi Lộc: 1; Diễn Châu: 1 và Yên Thành 1) 2 người mất tích; 43 người bị thương; 32 tàu thuyền bị bão đánh chìm; 295 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn; Gió bão khiến 31.535 nhà tốc mái. Hàng vạn cây xanh tại TP Vinh, thị xã Cửa Lò, Quỳnh Lưu bị gãy đổ.

 

Mưa lớn kèm gió giật mạnh kéo dài làm mất điện trên phạm vi toàn tỉnh. Hơn 36.000ha lúa bị ngập úng (khả năng mất trắng 8.378ha); hơn 4.254 ha cây rau màu và 2.000ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị xóa sổ. Hệ thống đê điều và đường giao thông sạt lở trên 300.000m3. Cột điện cao thế, hạ thế gãy đổ 7.771 cái. Thiệt hại ban đầu ước tính 590 tỷ đồng.

 

Hà Tĩnh có 3 người chết, 15 người bị thương nặng đang cấp cứu tại các cơ sở y tế; gần 10.000 ngôi nhà bị sập và hư hại; 310 phòng học, 38 trạm y tế bị tốc mái, hơn 1.000 cột điện, cột truyền thanh bị gãy. Hai huyện bị ảnh hưởng nặng nhất là Nghi Xuân và Lộc Hà, tại đây hơn 12.000 ha lúa hè thu bị ngập chìm, hàng ngàn hécta đậu, ngô, lạc hư hỏng. Ước tính ban đầu về thiệt hại do bão số 3 gây ra ở Hà Tĩnh lên đến trên 200 tỷ đồng. Riêng tại xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), bão số 3 gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

 

Tại Thanh Hóa, bão số 3 cũng gây mưa lũ, cuốn trôi 1 phụ nữ tại huyện Lang Chánh.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư hôm qua 25-8, Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn.

 

Bộ trưởng yêu cầu tập trung khắc phục những nhà bị sập, tốc mái, tình hình điện, nước, thông đường sá, sớm ổn định cuộc sống người dân; đặc biệt là tiêu úng cho hàng chục nghìn hécta lúa đang bị ngập úng. Bộ trưởng cảnh báo, do hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn ở các tỉnh Thanh Hóa- Quảng Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt chú ý đề phòng lũ ống, lũ quét. Riêng các tỉnh Bắc Trung bộ, đề phòng ở các bến đò ngang, triền sông, rất nguy hiểm khi lũ về.

 

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng kiểm tra các hồ chứa, có phương án sẵn sàng khi có tình huống xấu. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần sớm kiểm tra, rà soát các công trình chống úng, triển khai các biện pháp tăng cường tiêu nước, chống ngập úng trong mùa mưa bão năm nay để báo cáo Thủ tướng.

 

Tại Yên Bái, tính đến chiều 25-8, dù đã huy động hơn 500 người, 5 máy xúc, nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể 7 người xấu số tại điểm sạt lở xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải. Ông Trần Huy Tuấn, thành viên Ban chỉ đạo tìm kiếm của tỉnh cho biết, chỗ sạt lở sâu 10-15m, khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất đá, chủ yếu là bùn nhão, trong điều kiện trời mưa nên công tác tìm kiếm rất khó khăn.

 

Mặt khác, tại thời điểm đào bới, một khối đất trên sườn núi gần đó, cũng có nguy cơ đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, không thể thực hiện vào ban đêm.

Theo Tiền Phong