Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bức xức thực phẩm bẩn dù phạt nặng vẫn "thờ ơ"

(14:36:31 PM 26/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Dù mức phạt rất cao và đã bắt đầu được thực hiện nhưng thực phẩm không an toàn vẫn được bày bán công khai

Ngay ngày đầu tiên Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực vẫn còn rất nhiều người dân không quan tâm đến quy định mới này.

 

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: TẤN THẠNH

Vô tư mua bán

Theo ghi nhận của phóng viên, tại những khu vực  chuyên bán gia cầm sống, tình hình mua bán vẫn rất nhộn nhịp. Tại TPHCM, khu vực chợ Cầu (quận 12), cầu An Lộc hay đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), gà vịt được bày bán công khai bên đường. Sau khi trả giá, nếu khách có yêu cầu, người bán sẽ làm thịt tại chỗ. Đặc biệt, vịt ở đây được làm lông bằng nhựa đường, sau đó nhúng qua những xô nước cáu bẩn trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tại hai trung tâm phụ gia của TPHCM là chợ Kim Biên và chợ Bình Tây, không khí mua bán vẫn nhộn nhịp, thậm chí tấp nập hơn thường ngày vì nhiều người đến đây hỏi mua phụ gia chuẩn bị làm hàng Tết. Hầu hết các loại phụ gia thực phẩm, hương liệu đều được đóng gói sơ sài hoặc đựng trong những can nhựa không nhãn mác hay trong túi ni lông.
Người bán và người mua đều không quan tâm đến thời hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ của những loại phụ gia này. Vào một quầy hàng hỏi mua chất tẩy rửa cho thịt hết nhớt, hết mùi, chúng tôi được người bán giới thiệu một loại bột màu trắng “chỉ cần pha 100 g với 10 lít nước, đem ngâm rửa là thịt tươi lại ngay”. Loại bột trên có giá 30.000 đồng/kg và không có bất kỳ thông tin nào hướng dẫn kèm theo.

Tại Hà Nội, các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm, ăn uống  vẫn diễn ra khá bình thường. Bà Phạm Thị Duyên, kinh doanh gia cầm tại một chợ cóc ở quận Hoàng Mai, cho biết bà đã kinh doanh mặt hàng gia cầm từ nhiều năm nay, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có giấy kiểm dịch. “Nhưng quả thật mức phạt cao thế này chúng tôi cũng phải cẩn thận hơn vì nếu vi phạm, buôn bán cả tháng cũng chẳng đủ để nộp phạt” - bà Duyên lo lắng.

Đối với chủ cơ sở có hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… thông tin phạt tiền từ 1-20 triệu đồng  dường như khá bất ngờ với nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Chị Trần Hải Yến, nhân viên một cơ sở sản xuất bánh mì, cho biết tham gia sản xuất bánh mì gần một năm nay nhưng chưa khi nào chị phải đi khám sức khỏe. Còn chủ một cơ sở sản xuất đậu phụ ở quận Đống Đa - Hà Nội giãi bày: “Anh em làm đậu hũ toàn người nhà, lo gì bệnh tật mà phải đi khám sức khỏe!”.

Vừa tập huấn vừa xử phạt

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết ngay trong ngày 25-12, phòng y tế các quận - huyện đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị quản lý, kiểm tra về nội dung Nghị định 91. Trước đó, các hoạt động tuyên truyền tới bà con tiểu thương, cơ sở kinh doanh có địa điểm cố định… cũng đã được thực hiện ở tất cả các quận - huyện.
“Quan điểm của chúng tôi là việc tuyên truyền sẽ tiến hành đồng thời với xử phạt theo nghị định. Mức xử phạt cao mới đủ sức răn đe với những ai đã hoặc đang kinh doanh thực phẩm thiếu an toàn”- ông Cường khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh  thực phẩm TP Đà Nẵng, cho biết cơ quan này đã triển khai, phổ biến Nghị định 91 cho tất cả các cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu tháng 12. 

Ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được Chi cục QLTT tỉnh tổ chức thực hiện song song với nhiệm vụ kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo mức phạt mới của Nghị định 91.

Người tiêu dùng là kênh thông tin quan trọng

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết ngay trong ngày đầu tiên Nghị định 91 có hiệu lực nhiều đoàn kiểm tra ở các TP lớn đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đang tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả của đợt kiểm tra này sẽ được công bố trong tuần tới. Ông Nhiên cho rằng người tiêu dùng chính là kênh thông tin quan trọng trong việc phát hiện, tố giác những hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm mất an toàn.
N.Dung

Theo Người lao động