Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo chính thống và truyền thông xã hội cần cộng sinh

(21:53:09 PM 25/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Đó là ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Quang A tại hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” do sứ quán Anh và trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (Red) tổ chức sáng 24.12 tại Hà Nội.

 

 
Ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, cục Báo chí, bộ Thông tin và truyền thông.

 Theo ông Quang A, thông tin trên các mạng truyền thông xã hội (TTXH) như Facebook, blog… "thì rác cũng có mà kim cương cũng có”. Vì thể, để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả thì báo chí chính thống và TTXH cần phải cộng sinh. “Không có gì tốt hơn là thảo luận, trao đổi, nếu có tinh thần xây dựng để đất nước phát triển tốt hơn”, ông nói.

 

Nhiều ý kiến của các diễn giả đồng tình, với sự phát triển nhanh chóng, TTXH đang giúp độc giả thỏa mãn nhu cầu thông tin của họ.

 

Ông Đoàn Thế Hanh, ủy viên ban biên tập tạp chí Cộng Sản nhận định, càng gần hiện nay, công chúng càng thừa nhận sự nhanh nhạy của mạng xã hội và coi nó là người bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong chừng mực nào đó, mạng xã hội đã dẫn dắt xu hướng thông tin đối với báo chí.

 

Đến từ cơ quan quản lý, ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, cục Báo chí, bộ Thông tin và truyền thông cung cấp số liệu, tính đến tháng 7.2012, tại Việt Nam có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với 2011. Số liệu cho thấy xu hướng phát triển nhanh của các mạng xã hội. Đặc biệt, TTXH có xu hướng cạnh tranh với báo chí truyền thống về số người xem, quảng cáo.

 

Với riêng mạng Facebook, đến nay số người sử dụng đã lên tới con số trên 1 tỉ người. Tính đến tháng 10.2012 thì châu Á (gồm các nước Trung Đông) đã vượt qua châu Âu trở thành khu vực có số lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới với trên 242 triệu thành viên, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ với 241 triệu và hơn 235 triệu thành viên. Nếu Facebook là một quốc gia thì có dân số đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

 

Dưới góc độ người làm báo, ông Mạnh Quân (báo Sài Gòn Tiếp Thị) thừa nhận, với không ít nhà báo, việc tham gia vào TTXH như Facebook hay blog còn là công cụ để giữ "lửa nghề". Tuy nhiên cũng chỉ nên coi là công cụ để hỗ trợ công việc phần nào chứ không nên quá sa đà.

 

Ông Nguyễn Hữu Vinh, giám đốc công ty VPI cho rằng, các tòa báo, trước áp lực “mất khách”, và thậm chí cả soi lưng từ TTXH, họ phải bươn chải hơn để tồn tại, tìm đủ mọi cách lách, và câu khách bằng thị hiếu tầm thường, gây tác động làm méo mó thêm từ môi trường báo chí cho tới đời sống văn hóa, tinh thần của cả xã hội.

 

Thế nhưng, nếu vì không thể quản được TTXH mà dẫn tới lại soi xét kỹ hơn báo chí thì vô hình trung sẽ làm khoảng cách về độ hấp dẫn độc giả của hai loại hình này ngày càng rộng. Từ đó, ông Vinh nêu đề xuất, khi bước vào cải cách, có những mô hình như đặc khu kinh tế thì có lẽ cũng cần thể nghiệm mô hình “Đặc khu thông tin”. Là khu vực trung dung giữa báo chí chính thống và TTXH. Ở đó có sự theo dõi, quản lý nhất định của cơ quan chức năng nhưng không cần chặt chẽ như với báo chí hiện nay. Ở đó thông tin cung cấp thoáng hơn báo chí chính thống nhưng sẽ cẩn trọng hơn TTXH. Có những thông tin “nhạy cảm” của Nhà nước, không tiện đưa lên báo, nhưng lại rất cần phổ biến với người dân, thử nghiệm hay tận dụng tiếng nói của công luận. Có những vấn đề cần lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, sang kiến của dân, nhưng lâu nay khi cần tổ chức thu thập qua báo chí chính thống. Có một số hình thức như Blog trên báo, blog cá nhân chấp nhận sự quản lý mức độ nào đó của cơ quan chức năng…

(Theo SGTT)