Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo truyền thuyết, ngôi miếu đó được cất để thờ một phò mã lưu vong nước Lèo (tên gọi xưa của nước Lào). Không có chứng tích nào giải thích vì sao một ông phò mã nước Lào lại sang đây sinh sống rồi qua đời.
Tuy thờ một ông phò mã nhưng trên bàn thờ chỉ có 1 viên đá có hình dạng đầu người. Điều lạ là dưới nền đất trước sân miếu thỉnh thoảng một số xương cốt người lộ lên. Từ trước đến nay, người ta đã nhặt được vài chục bộ xương người như thế.
Dù ngôi cổ miếu chất chứa nhiều bí ẩn nhưng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào giải mã.
Từ thành phố Sóc Trăng đi theo đường Lê Hồng Phong, qua khỏi thị trấn Mỹ Xuyên khoảng 2 km sẽ gặp một chiếc cổng ghi "Ba Thắc Cổ Miếu". Qua khỏi cổng, đi men theo một con đường tráng xi măng uốn lượn khoảng 500m chúng tôi mới đến miếu.
Từ bên ngoài nhìn vào, chánh điện ngôi miếu nằm nép sau một gốc bồ đề đại thụ to khoảng 7 vòng tay người ôm. Bà Mười là người giữ miếu cho biết, trước năm 1970, dưới gốc bồ đề có một cặp vợ chồng rắn hổ ngựa.
Cây bồ đề cổ từng có một cặp rắn thần cư ngụ |
Không ai trông thấy trọn vẹn thân hình của cặp rắn này. Thỉnh thoảng người ta chỉ trông thấy cái đầu của chúng to bằng nắm tay người đàn ông, ngóc cao lên nhìn ngó mọi người rồi thụt vào. Người ta ước đoán cặp rắn dài hơn 10m.
Điều lạ là cặp rắn tồn tại dưới gốc cây bồ đề suốt hàng chục năm nhưng chưa từng làm hại ai. Bất ngờ chúng biến đi đâu không ai rõ. Những người dân cư ngụ xung quanh miếu tin rằng, chúng đã tu thành... chính quả.
Gốc bồ đề đại thụ, mái ngói âm dương rêu phong và những truyền thuyết bí ẩn càng khiến ngôi miếu cổ thêm thâm trầm huyền hoặc.
Ông Ngô Văn Minh, thường gọi là ông Chín, sinh năm 1951 - Phó ban Trị sự quản lý ngôi cổ miếu cho biết: "Theo ông bà tôi kể lại, hồi xưa ngôi miếu cất bằng cây gỗ tạp theo lối kiến trúc cổ của người Kh'mer. Lúc đó, thưa người, cây cối rập rạm, ngôi miếu nhỏ nằm ẩn mình sâu trong góc rừng.
Đến năm 1927, ngôi miếu hư mục nên ông Thái Chấn An (Hội trưởng Ban Tế tự) bắt tay cùng ông Lê Văn Hoạnh (chức Lý Tổng nhà cầm quyền thực dân Pháp) đứng ra vận động, quyên góp tiền bạc từ các thân hào để sửa chữa, cất mới bằng xi măng cốt thép theo kiến trúc Triều Châu cổ. Tổng diện tích xây dựng là 5.000 m2.
Viên đá hình đầu người được để trên bệ thờ |
Thời đó, ông Hoạnh rất uy quyền nên việc quyên góp tiền bạc dễ dàng. Sau khi sửa chữa, trên tấm biển xi măng ở mái dựng chánh điện, thợ xây tạo hàng chữ Pháp: "Pagode de Bassac", tức "Miếu thờ ông Bassac". Trải qua một thời chiến tranh ác liệt, Ba Thắc Cổ Miếu bị hư hao do bom đạn nên được trùng tu lần cuối vào năm 1995.
Ông Bak Sak là ai?
Những bô lão những đời trước truyền miệng lại cho con cháu rằng, từ đầu thế kỷ 18, công chúa nước Lèo (tức Lào) cãi lệnh vua cha yêu một tráng sĩ thường dân tên là Bak Sak. Vua cha tức giận ngầm sai người truy sát tráng sĩ. Công chúa nghe tin đã mật báo cho người yêu.
Thế rồi hai người cùng một số gia nhân, tùy tùng lên thuyền chạy trốn. Họ xuôi theo dòng sông Mekong nhắm hướng hạ nguồn rong ruổi ngày đêm. Do người Lèo chỉ sử dụng loại thuyền đường sông, nên khi ra cửa biển Trấn Di (nay gọi là Trần Đề) họ bị sóng biển đánh đắm.
Thế là Bak Sak, công chúa và nhóm gia nhân đành hạ trại định cư. Sau này, nơi đó được gọi là Sóc Lèo, có nghĩa là làng của người Lào (hiện nay, nơi đây có tên hành chính là ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú).
Bak Sak và công chúa đi sâu vào đất Bãi Xàu (nay là Chợ Cũ, Mỹ Xuyên) khai phá rừng hoang xây dựng cơ ngơi. Ông Bak Sak là người có công mở cửa cảng giao thương Bãi Xàu rất sung túc tại đây vào thời điểm giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Đó là một trong những trung tâm thương mại của vùng Hậu Giang, nơi tập trung nhiều thương nhân người Hoa và các thương buôn từ các nước kéo đến.
Khi ông Bak Sak mất, hài cốt được hỏa táng theo lễ nghi và xây tháp thờ tại chùa vua Bak Sak, tức chùa Bốn Mặt (cách miếu thờ Ba Thắc khoảng 500m). Để tưởng nhớ công khai phá vùng đất Bãi Xàu, đồng bào 3 dân tộc Kinh, Kh'mer và Hoa đã xây thêm 1 ngôi miếu thờ ông tức cổ miếu Ba Thắc. Bak Sak là cách gọi theo phiên âm tiếng Kh'mer, tiếng Pháp là Bassac.
Còn Ba Thắc là cách gọi của người Hoa và người Kinh. Không nghe ai nhắc đến chuyện thờ bà công chúa Lào, vợ ông Bak Sak. Cũng không ai lý giải thỏa mãn nguyên do bàn thờ ông Bak Sak không tượng, không di ảnh mà chỉ có một viên đá hình đầu người.
Ngoài ra, cũng có những truyền thuyết khác, như: Ông là người Lào đi du ngoạn đến vùng đất này thì bị bệnh và chết. Lại có suy luận cho rằng, ông là người Kh'mer hoặc người Hoa đến vùng này để giao thương mua bán và bệnh chết…
Tất cả các truyền thuyết này không được các nhà khoa học công nhận bởi những câu chuyện này không lý giải vì sao nơi nền miếu thỉnh thoảng có những bộ xương người lại lộ thiên sau những cơn mưa xói mòn đất.
Mồ chôn tập thể?
Anh Tám - một người dân cư ngụ gần miếu cho biết: "Cứ sau một mùa mưa là xương cốt người lại lộ ra. Từ thời ông nội tôi đến giờ, năm nào người ta cũng phát hiện vài bộ xương cốt, chất đống cạnh hông miếu".
Ông Chín Minh khẳng định: "Năm 2002, tôi cho người đào móng xây hàng rào cho miếu thì thấy dưới lớp đất mặt là những bộ xương cốt nằm chồng chéo lên nhau. Có vẻ như họ bị giết rồi chôn vùi tập thể. Xương to lắm. Dứt khoát không phải của người Kinh hay Kh'mer.
Đến năm 2005, mưa trôi đất vẫn còn lộ xương. Tôi cho lót gạch lên nền miếu chứ không xương cốt vẫn còn tiếp tục lộ thiên hoài. Bây giờ, nếu đào xuống khỏi nền đất trên sân miếu sẽ gặp ngay thôi".
Ông Ngô Văn Minh và ngôi mộ vô danh chứa các hài cốt nhặt được từ nền sân miếu |
Năm 2008, những người trong Ban trị sự đã gom những bộ xương vô danh ấy cho vào hũ rồi táng chung vào những ngôi mộ cạnh miếu để nhang khói.
Từ hiện tượng đó, có người nêu giả thuyết cho rằng, nơi đây từng là chiến trường quyết tử giữa quân Xiêm với quân Tây Sơn.
Chiếu theo sử thì Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại đã sang Xiêm cầu viện vào khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784).
Lúc bấy giờ, Xiêm La dưới quyền cai trị của Vua Chakkri. Vị vua này đang nuôi tham vọng thôn tính Chân Lạp và Gia Định để mở rộng cõi bờ. Được Nguyễn Phúc Ánh xin cứu viện, vua Xiêm chộp ngay cơ hội.
Khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, thống lĩnh 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền, hợp cùng 1.000 quân của Nguyễn Phúc Ánh từ Kiên Giang kéo lên Gia Định.
Đồng thời vua Xiêm phái thêm 2 tướng Lục Côn và Sa Uyển phối hợp cùng với Chiêu Thùy Biện (một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm) đem hai đạo binh trên 3 vạn người, hành tiến sang Chân Lạp rồi đánh thốc xuống Gia Định.
Nói về giai đoạn này, lịch sử Thái Lan cũng thừa nhận: "... Vào tháng 5 (lịch Xiêm, khoảng tháng 3 DL) của năm Giáp Thìn (1785) nhà vua sai cháu là Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy một đội chiến thuyền và 5.000 quân, với lệnh là tấn công và tái chiếm - không được thất bại - lãnh thổ Saigon cho Ong Chiang Su (chúa Nguyễn).
Nhà vua cũng cho phép đích thân Ong Chiang Su đi theo đoàn quân. Một toán quân đường bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy được lệnh tiến theo đường Cam Bốt và điều động thêm một đoàn quân Cao Miên. Chaophraya Aphaiphubet tuyển thêm một lực lượng 5.000 quân Cam Bốt để đi cùng quân Thái…
Cháu của vua là Chaofa Kromluang Thepharirak, cùng với các tướng lãnh cao cấp cùng Ong Chiang Su từ biệt nhà vua và đưa chiến thuyền thẳng tiến theo hướng biển đến Banteay Meas (Mang Khảm, tức Hà Tiên).
Quân tại Banteay Meas dưới quyền của Phraya Rachasetthi và Phraya Thatsada được điều động để tăng viện. Liên quân tiến vào sông Bassac (Ba Thắc) và dừng lại tại rạch Wamanao (Trà Tân)". Theo một số học giả, số quân trong sử Thái giảm khá nhiều so với thực tế.
Trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa thấy sức giặc quá mạnh, ra lệnh cho các nơi vừa chặn đánh vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng.
Quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Đốc ở biên cương rút về Cần Thơ. Quân Xiêm đuổi theo. Quân Tây Sơn theo bờ Hậu Giang lui dần xuống Ba Thắc. Quân Xiêm đuổi đến Ba Thắc bị quân Tây Sơn phục kích đánh cho một trận tơi bời phải thối lui.
Tại Rạch Gầm - Xoài Mút trên sông Tiền Giang, một đạo quân Xiêm cũng bị quân Tây Sơn phục kích đánh tan tác. Có thể nói, mặt trận Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ diễn ra trên sông Tiền mà kéo dài sang sông Hậu, đến tận Bãi Xàu - địa điểm ngôi miếu cổ Ba Thắc.
Kết thúc trận chiến, 5 vạn quân Xiêm chỉ còn sống sót vài ngàn tìm đường về nước bằng nhiều đường khác nhau. Hàng vạn tử thi chồng chất lên nhau là điều không tránh khỏi.
Nếu địa danh Ba Thắc đúng là nơi quân Tây Sơn phục kích quân Xiêm thì dưới nền sân miếu chính là nấm mồ tập thể chôn quân Xiêm tử trận. Theo truyền thống nhân đạo, nhân dân Ba Thắc đã cất một ngôi miếu nhang khói chung cho những người chết trận.
Để tượng trưng chung cho những người trận vong, dân địa phương dùng một cục đá hình đầu người đặt trong miếu thay cho di ảnh. Có thể, sau khi Vua Gia Long phục quốc đã thực hiện chính sách trả thù những người theo Tây Sơn nên người dân nơi đây không dám hé răng kể về chiến tích Ba Thắc.
Dần dà, người ta quên hẳn nơi đây đã từng xảy ra một trận chiến hào hùng mà chỉ gọi chung là miếu thờ Ba Thắc. Người đời sau nghĩ rằng Ba Thắc là một cái tên của ai đó rồi nảy ra truyền thuyết về một ông phò mã nước Lèo.
Nếu giả thiết này đúng thì các nhà khoa học khảo cổ cần tổ chức khai quật, xác định để làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử vệ quốc hào hùng của người Việt xưa để trả lại thuyết đúng cho ngôi miếu cổ Ba Thắc.