Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bị cô lập, Ninh Bình gồng mình chống lũ
Nước từ thượng nguồn phía bắc đổ về kết hợp với mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại vùng phân lũ chậm lũ 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Nhiều đoạn đường, khu dân cư đã bị ngập trắng, người dân phải di chuyển “bằng tay”. 5 xã: Gia Lâm, Gia Thuỷ, Đức Long, Lạc Vân và Xích Thổ (Nho Quan); 2 thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh và Đồng Vàng (Gia Trấn) huyện Gia Viễn đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn, mực nước thấp nhất là gần 1m, có nơi lên tới hơn 2m.
Tại xã Gia Thủy (Nho Quan), toàn xã có 12 thôn với gần 1.500 hộ đã bị nước lũ chia cắt từ ngày 28/8. Đứng trên đê tả Hoàng Long nhìn xa xa trong mưa, Gia Thuỷ chỉ còn thấp thoáng bóng vài nóc nhà cao tầng. Con đường bộ liên xã từ Gia Tường sang Gia Thuỷ đã bị nước lũ cắt đứt, các tuyến khác đều bị ngập sâu; 2 bến đò Ngọc Nhị và Đụng Mỹ do nước lớn không hoạt động. Để vào xã hoặc gửi hàng tiếp tế cho người nhà, chỉ còn cách duy nhất là thuê thuyền đánh cá của ngư dân. Mực nước tại thôn Liên Phương ngập sâu gần 2m, những mái nhà thấp đã gần lút mái, nhiều hộ dân phải di chuyển lên thuyền.
Cuộc sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cạn dần, nhiều hộ đã phải gọi người thân từ vùng ngoài gửi mì tôm, gạo, nước uống, chất đốt... vào tiếp tế. Số diện tích ít ỏi chưa đầy 300 ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ sản, niềm trông đợi cuối cùng mùa này của bà con cũng đã bị lũ “nuốt” chững. Ông Trần Văn Bản, thôn Liên Phương, xã Gia Thuỷ giọng buồn rầu: Lũ lớn về là nơi đây trở thành một “ốc đảo” riêng. Đợt này, lũ về quá nhanh, dân trong xã không kịp chuẩn bị nên nếu nước ngập kéo dài thì các hộ dân vùng này sẽ rất khó khăn.
Huyện Gia Viễn đã có một thanh niên 23 tuổi tử vong do bị nước cuốn trôi khi đi qua đập tràn xã Gia Thanh. Tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh huyện Gia Viễn, nước lũ đã cắt đứt mọi con đường vào thôn, hơn 400/513 nhà của các hộ dân bị ngập sâu không thể ở. Nhiều hộ phải sơ tán lên núi, đến các địa điểm trường học, trụ sở thôn hay nhờ tàu lớn các hộ để trú ngụ.
Ông Trần Văn Tụng, Trưởng thôn Kênh Gà cho biết: Dân ở đây “sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay” nên vào mùa lũ đều dự trữ lương thực có thể đủ cho cả tháng nên không phải lo cái ăn. Tuy nhiên, một số nơi, người dân không đủ nước để uống và tắm rửa đành phải lấy nước sông cho vào thùng lặng bớt tạp chất để sử dụng. Sẽ rất nguy hiểm khi dùng nước đó để sinh hoạt, bởi các nhà vệ sinh trong khu dân cư khi bị ngập đều hoà vào nguồn nước.
Ông Tụng lo lắng, ở đây mỗi đợt ngập lụt kéo dài từ 15 đến 20 ngày, sẽ khiến đời sống và sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn và như vậy cũng sẽ có gần 300 cháu ở bậc mầm non và tiểu học của thôn sẽ bị chậm ngày khai trường. Ở những vùng bị ngập sâu, rác thải không có quy hoạch khi nước lớn tràn về “ôm” lấy xóm làng, phân gia súc, xác động vật chết trôi nổi làm môi trường bị ô nhiễm nặng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm.
Trước tình lũ gây chia cắt ở nhiều nơi trên địa bàn, chính quyền các địa phương đã tổ chức đoàn cán bộ xuống địa bàn tuần tra, rà soát, động viên tinh thần, cấp phát thuốc khử khuẩn nước và nhắc nhở nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn, dùng áo phao khi qua sông... Tuy nhiên, theo cán bộ cơ sở và nhân dân vùng này thì vẫn chưa thấy có sự hỗ trợ nào về kinh tế, nhất là cứu trợ lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con.
Ninh Bình đã có hàng nghìn hécta lúa, hoa màu ở các địa phương chuẩn bị cho thu hoạch bị mất trắng. Nhiều diện tích bị ngâm nước sẽ giảm năng suất, tài sản của nhân dân đang bị nhấn trong “biển” nước... Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng tại các địa phương chú trọng công tác bảo vệ an toàn cho người và tài sản của nhân dân, tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ đê, thường xuyên cập nhật thông tin trên đài truyền thanh 3 cấp để nhân dân nắm bắt kịp thời thông tin mưa lũ, chủ động phòng tránh. Khẩn cấp ứng cứu nhân dân vùng ngoài đê bị lũ chia cắt. Ngành điện đảm bảo điện để vận hành tối đa công suất các trạm bơn tiêu lũ cứu lúa. Sở y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các huyện và các ban ngành bán sát cơ sở, tập trung thực hiện ngay các phương án cấp phát thuốc, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh...