Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Liên tiếp thời gian gần đây, các vụ trượt lở đất do mưa lũ gây ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trình độ khoa học của Việt Nam có khoanh vùng và cảnh báo được thảm họa này?
PV trao đổi với PGS.TSKH Vũ Cao Minh, Chủ nhiệm bộ môn Địa Kỹ thuật, ĐH Khoa học Tự nhiên; nguyên phó viện trưởng Viện Địa chất, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam về vấn đề này.
Trượt lở đất vẫn xảy ra mà không có cảnh báo nào được đưa ra trước đó.
PGS Vũ Cao Minh khẳng định: Hoàn toàn có thể tự nhận biết được thảm họa lở đất bằng cách dựa vào cộng đồng. Chẳng hạn như trận lở đất kinh hoàng ở Mường Vi (huyện Bát Xát, Lào Cai) hôm 3-8 làm 1 người chết, 6 người bị thương, cuốn trôi nhiều nhà cửa và hoa màu… có thể tránh được nếu người dân ở đó từng được trang bị kiến thức về vấn đề này.
Việt Nam có cảnh báo được thảm hoạ lở đất không thưa ông?
Trong một số trường hợp, điều kiện Việt Nam có thể cảnh báo được, bằng cách đặt các thiết bị quan trắc tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất. Thông qua các số liệu này sẽ tính toán xem các yếu tố nào vượt quá ngưỡng, để phát đi tín hiệu báo động.
Viện Địa chất đã từng có nghiên cứu thử nghiệm dự báo trượt lở đất, nhưng nghiên cứu đó còn rất sơ khai. Có thể dự báo bằng cách đặt các thiết bị quan trắc ở vùng đó. Có thể cảnh báo trước vài giờ đến vài chục phút. Tùy mức độ của vụ trượt lở mà người dân có khả năng thu xếp để sơ tán trước khi thảm họa xảy ra.
Vậy tại sao đến nay các vụ trượt lở đất vẫn xảy ra mà không có một cảnh báo nào được đưa ra trước đó?
Cần phải nói thế này, phần lớn trượt lở đất ở Việt Nam do mưa gây nên. Ngoài ra còn do sụt lở núi chặn dòng suối, tạo thành những hồ chứa lớn, sau đó gây vỡ bờ bao, tạo ra dòng lũ quét xuống hạ lưu, cuốn theo đất đá. Vụ trượt lở đất ngày 8-8 tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc khiến hàng nghìn người chết và mất tích là do trượt lở núi, đất lở chặn sông, gây nên ngập úng.
Đối với trượt lở, chỉ có một phương pháp tối ưu nhất để tránh thiệt hại về người và của là di dân. Bởi con người đến nay hầu như không có khả năng chống đỡ thảm họa này. Tuy nhiên, ngay cả khi di dân rồi, những vùng có nguy cơ trượt lở vẫn nguy hiểm đối với người đi đường, người canh tác, v.v….Do đó phải có biện pháp phòng ngừa tác hại của nó. Muốn như vậy phải làm tốt công tác dự báo.
Nghĩa là phải tiến hành ba việc. Trước hết là dự báo về mặt không gian, dựa trên các số liệu nghiên cứu, khảo sát, đo đạc, quan trắc, xác định xem khu vực nào nguy hiểm. Tiếp đó, đánh giá mức độ của vụ trượt lở nếu xảy ra, mạnh hay yếu. Cuối cùng là khâu cảnh báo.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay mỗi "anh" điều tra một phách, không có chuẩn nào cả. Hiện chúng ta chưa có quy trình hướng dẫn lập bản đồ dự báo nguy cơ trượt lở. Do không có chuẩn nào cả nên đến nay cũng chưa đánh giá được mức độ rủi ro do trượt lở.
Việt Nam cũng chưa dự báo được trượt lở dù điều kiện kỹ thuật và trình độ của ta có thể làm được. Nguyên nhân là do chưa có sự quan tâm đúng mức vấn đề này.
Đến nay đã có bản đồ phân vùng những khu vực có nguy cơ trượt lở đất chưa thưa ông?
Hầu hết những tỉnh có trượt lở lớn đều đã có điều tra, thường do các đơn vị trung ương thực hiện. Những khu vực có nguy cơ trượt lở cao được khoanh vùng gồm Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v…
Điều kiện địa chất của những vùng này không thuận lợi, với độ dốc lớn, liên kết đất đá yếu… Ví dụ như đất phong hóa, đất bazan, hoặc đứt gãy do đứt gãy bề mặt kiến tạo; do con người canh tác, chặt phá, đốt rừng, v.v…, với tác động kích hoạt là do mưa.
Tuy nhiên, như đã nói, nghiên cứu trượt lở đất ở Việt Nam chưa đến nơi đến chốn, thiếu văn bản có tính pháp lý; việc thực hiện các biện pháp phòng chống như dự báo, cảnh báo, di dân, hồi phục, v.v... chưa triệt để.
Những vùng chưa thực hiện được phương án di dân, có thể tránh thảm họa này bằng cách nào thưa ông?
Cảnh báo trước đây của Việt Nam chủ yếu dựa vào thiết bị, nay nên hướng vào dựa vào cộng đồng. Chẳng hạn như trận lũ quét kinh hoàng ở Mường Vi. Rõ ràng dân đã nghe thấy tiếng nổ lớn trước khi lũ tràn về khoảng 15 phút. Thời gian đó đủ để sơ tán. Nhưng họ lại không có kiến thức để nhận biết thảm họa sắp xảy ra.
Do đó, phải tập huấn cho người dân cách nhận biết thảm hoạ lở đất bằng những biểu hiện trên mặt đất như nứt nẻ, rung động; lũ bùn đá: tiếng nổ, rung động; lũ quét: lượng mưa lớn, sự thay đổi lượng nước sông suối (nước cạn, đục, sau đó dâng lên đột ngột), v.v… Muốn vậy, phải có sự chuẩn bị, tập huấn cho bà con. Ví dụ, có tiếng nổ lớn, có mưa (không nhất thiết là mưa to), là khả năng lớn có lũ bùn đá, lũ quét.
Cảm ơn ông.