Các đặc tính của hoa nhài là liên quan đến mùi đặc biệt của nó, đủ để thuyết phục chúng ta nên thử các sản phẩm sức khỏe liên quan đến hoa nhài.
Dầu được chiết xuất từ hoa nhài rất nổi tiếng và đắt tiền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với cơ thể thì thật là quý giá. Loại thảo dược này có tác dụng loại bỏ sự căng thẳng và trầm cảm, giúp bạn lấy lại sự tự tin. Đặc biệt hoa nhài tươi có chứa một lượng khá cao dầu etheric, có tác dụng tăng cường năng lượng. Ngoài ra, hoa nhài cũng có chứa benzilic acetate, linalcohol, rượu benzilic, indole và jasmon..., tất cả các chất này tạo cho hoa nhài đặc tính kích thích tình dục.
Tác dụng khác của hoa nhài là cải thiện tiêu hóa, bổ trợ trong việc loại bỏ độc tố và giúp giảm cân. Hoa nhài cũng giúp đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, cải thiện lưu thông máu.
Sử dụng hoa nhài đơn giản nhất là uống trà hoa nhài. Trà hoa nhài có thể được sử dụng để điều trị đau đầu, ho và bệnh thấp khớp. Phụ nữ sinh đẻ, dùng dầu hoa nhài cũng rất tốt, là chất khử trùng mạnh mẽ, an thần và thuốc bổ được đề nghị dùng cho trường hợp khó thở, ho và suy nhược thần kinh. Một lượng nhỏ tinh dầu hoa nhài cũng có thể làm dịu cơn đau. Trà hoa nhài có tính chất an thần và nó có thể điều chỉnh lưu thông máu và giảm căng thẳng động mạch. Một tách trà hoa nhài kết hợp với trà xanh là một liều thuốc bổ và có hiệu quả tăng năng lượng.
Có thể tham khảo một số bài thuốc dưới đây cho một số bệnh chứng.
- Chữa mất ngủ: Hoa nhài 6 g, tâm sen 8 g. Hãm hoa nhài và tâm sen với nước sôi, uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục từ 7-10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt. Hoặc hoa nhài 10 g, bồ công anh 20 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo đất 10 g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần, uống liên tục trong 7 ngày.
- Chữa huyết áp cao: Hoa nhài 10 g, hoa hòe 10 g, kim cúc 6 g, hoa đại 6 g. Sắc với ba bát nước còn một bát, chia uống 2 lần trong ngày vào buổi sáng và tối sau bữa ăn. Mỗi liệu trình uống 10 ngày.
- Trị tiêu chảy: Hoa nhài 6 g, chè xanh 10 g, thảo quả 3 g, vỏ dộp ổi 3 g. Cách dùng: 4 thứ trên đem sắc với 600 ml nước còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống sau các bữa ăn. Uống liên tục trong 3 ngày. Hoặc hoa nhài 10 g, vỏ quả lựu 10 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống trong 4 ngày.
- Chữa chứng hay nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt: Hoa nhài và hoa cúc vàng, mỗi vị 6 g. Cả hai rửa sạch, để ráo đem hãm với nước sôi, uống thay nước chè hằng ngày.
- Nhức mỏi, đau đầu gối: Hoa nhài 50 g, móng giò heo 200 g. Cách nấu: móng giò heo rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị. Hoa nhài đã rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa nhài vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3-5 lần. Đơn thuốc này dễ làm nhưng lại hiệu quả cho người hay nhức mỏi, đau đầu gối.
- Giúp thanh nhiệt, tăng cường sức đề kháng: Hoa nhài khô 6 g sắc uống thay nước hằng ngày. Hoặc dùng trà hoa nhài: Hoa nhài khô 1 thìa, cho hoa nhài vào bình trà, rót 300 ml nước sôi để hãm, 5 phút sau trà có mùi thơm có thể uống luôn, người thích ngọt thì cho thêm mật ong hòa đều để nguội uống. Bài thuốc này có công dụng thanh thuần tỉnh não, khai khiếu giải phiền.
- Chữa đi tiểu nhiều: Hoa nhài 5 g, ngân hạnh 3 g, sắc với 3 bát nước trong 1 giờ. Ngày uống 2 lần, uống trong 7 ngày.
- Chữa ho suyễn: Hoa nhài 3 g, đậu phụ 100 g hãm vào nước sôi uống trị được phế ung, ho suyễn, ngực đầy khí suyễn, hô hấp không thuận. Uống liên tục trong 10 ngày.
- Trị chứng phát sốt do ngoại cảm: Hoa nhài 4 g, thảo quả 3 g, chè xanh 10 g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
- Trị rôm sảy: Lá nhài 50 g, lá sài đất 20 g, lá ngải cứu 30 g. Sắc nước uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống liền trong 3-5 ngày.
- Trị mụn nhọt: Hoa nhài 10 g, cam thảo đất 16 g, kim ngân hoa 20 g, bồ công anh 20 g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.