Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những sinh vật gây "sóng gió" ở Việt Nam 2012

(17:27:03 PM 23/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Voọc ở Quảng Bình, voi Yok Đôn và "hoa Ưu đàm" là những sinh vật gây nhiều chú ý đến dư luận trong nước năm nay.

Ảnh: Facebook.


Hồi tháng 7, hơn một chục tấm ảnh tung lên mạng về nhóm thanh niên làm thịt hai con voọc, trong đó có một con mang thai khiến cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ. Con voọc bị nhóm người giết bằng cách nhấn vào nước sôi, hun khói, trói chặt các chi và bắt hút thuốc lá. Nhóm người này còn chụp ảnh quá trình hành hạ con vật rồi tung lên mạng, gây phẫn nộ trong dư luận cả nước.

 

Các nhà khoa học xác định đó là voọc chà vá chân đen thuộc nhóm các loài cần bảo vệ vì chúng đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng cao. Giới bảo tồn lên tiếng cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, loài voọc sẽ tiếp bước tê giác một sừng tuyệt chủng ở Việt Nam.

 


Ảnh: H.Vy.

 

Tháng 8, tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, xác hai con voi một đực một cái được phát hiện cuối tuần qua trong tình trạng bi thảm. Voi đực bị xẻ lấy một phần mặt. Nhiều khả năng chúng đã chết trước đó một tháng. Những dấu hiệu cho thấy con voi bị săn bắn đề lấy ngà.

 

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn đề nghị cơ quan chức năng thành lập chuyên án điều tra nguyên nhân cái chết của hai con voi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng có công văn đề nghị tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ thủ phạm đã giết hại hai con voi.

 

Trong năm 2012, tỉnh Đắk Lắk có gần 10 con voi hoang dã bị chết. Riêng trong tháng 3 năm nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã phát hiện 3 con voi rừng chết thuộc huyện Ea Súp. Các chuyên gia bảo tồn nhận định, số lượng voi hoang dã ngày càng ít đi cộng thêm việc không có voi mới sinh đã khiến cho số lượng đàn voi tại Đắk Lắk có nguy cơ sụt giảm rất lớn.

 

 

Ảnh: Đăng Nguyên.

 

Cuối năm nay, kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu chung cư tại Huế, TP HCM và Hà Nội. Tiếp xúc với loài này, da nhiều người bị tổn thương, ban đầu là rát bỏng, sau đó là đau nhức nếu bị nhiễm trùng.

 

Theo các nhà khoa học, kiến ba khoang thực chất là một loài bọ cánh cứng. Chúng có tuyến độc còn độc hơn cả rắn hổ, nhưng không gây chết người bởi khối lượng của nọc kiến rất ít. Tuy không phải là loài vật mới xuất hiện như nhiều người lầm tưởng ban đầu, kiến ba khoang gây nhiều khó chịu cho cộng đồng, nhất là ở những nơi tập trung dân cư có mật độ cao.

 

 

Ảnh: Thiên Lý.

 

Hoa Ưu đàm. Tháng 6/2012, chị Lê Quỳnh Anh ở Tuy Hòa phát hiện trên lá cây sả trước nhà có một khóm hoa màu trắng li ti hình huông, nhiều cánh, thân mảnh như tơ.

 

Cây cao khoảng 80 mm, hoa có nhị. Các vị sư đến nhà chiêm bái, khẳng định đây là hoa Ưu Đàm - truyền thuyết nhà Phật cho rằng hoa chỉ có trên thiên giới. Theo kinh Phật, hoa Ưu Đàm Bà La (Udumbara, gọi tắt hoa Ưu Đàm), từ tiếng Phạn có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời” và "3.000 năm mới nở một lần".

 

Xung quanh loài cây trên, giới chuyên gia đưa ra nhiều nhận định, có người cho rằng đó là loài nấm, có giả thiết là trứng côn trùng, còn hòa thượng Thích Nguyên Đức nói Ưu đàm chỉ là biểu tượng.

 

Ảnh:Lưu Hồng Trường.

 

Cây nắp ấm. Các nhà khoa học vừa công bố tìm thấy cây nắp ấm Thorel ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh sau hơn một thế kỷ vắng bóng.

 

Sau công bố này, nhiều độc giả và ngay cả giới khoa học cũng lên tiếng khẳng định họ thường xuyên thấy cây nắp ấm đó ở nơi họ sinh sống, vì thế thông tin cây nắp ấm tái xuất ở Xa Mát và không có trong tự nhiên là không chính xác.

 

Để chứng minh nghiên cứu trên là đúng, nhóm khoa học của tiến sĩ Lưu Hồng Trường khẳng định thông tin nhóm đưa ra là chính xác. Theo ông Trường, hình dáng các loài nắp ấm tương đối giống nhau nên con người rất dễ nhầm lẫn nếu không quan sát kỹ. Nhìn vào hình trên, độc giả có thể phân biệt hoa của cây nắp ấm Thorel (A) và hoa cây nắp ấm hiện đang được trồng làm cảnh (B). 

 

 

 

Thời gian gần đây, người dân xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình hoang mang về động vật được cho là "sinh vật lạ". Nhiều người rắc vôi lên nhưng chúng không chết, khi bỏ muối trên miệng lỗ thì sinh vật này chui xuống đất. Sở Y tế tỉnh đưa ra khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc với loài vật lạ.

 

Nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã vào cuộc tìm hiểu và đưa ra kết luận "sinh vật lạ" thuộc ngành giun dẹp, lướp sán lông, chúng sống tự do và không gây hại cho con người.

 

Ảnh: Hoàng Hà.

Gấu ở Tam Đảo. Hơn 100 con gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở vườn quốc gia Tam Đảo sẽ phải di dời khỏi đây. Nguyên nhân của việc di dời này được cho là nhằm làm cho địa bàn phù hợp với quy hoạch, tuy nhiên những người quản lý trung tâm đang nỗ lực kêu gọi các bên làm thế nào để tiếp tục duy trì trung tâm ở nơi cũ.

 

Ảnh:blogspot.com.

 

Tê giác Nam Phi. Số phận của tê giác Nam Phi được đặc biệt chú ý sau khi một tờ báo uy tín của Mỹ viết phóng sự về việc người giàu oở Việt Nam tung tiền mua sừng của động vật này. Tại Việt Nam và một số nước châu Á khác, sừng tê được cho là "thần dược" chữa nhiều bệnh nguy hiểm kể cả ung thư. Tuy nhiên giới khoa học và bảo tồn bác bỏ điều đó. Nhưng dù sừng tê đắt như vàng, người Việt vẫn mua. Giá mỗi kg sừng tê giác có thể lên tới 60.000 USD, tương đương 1,25 tỷ VND.

 

Giá đắt khiến người ta bổ đi tìm nguồn cung để kiếm lợi. Theo số liệu của Chính phủ Nam Phi, gần 60% số đơn xin săn tê giác ở nước này từ năm 2010 đến nay là của người Việt. Các tổ chức bảo tồn quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam là quốc gia châu Á có mức độ tiêu thụ sừng tê giác lớn. Mới đây, một biên bản ghi nhớ nhằm cải thiện hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại Hà Nội, trong đó có vấn đề bảo vệ tê giác. 


Theo vnexpress