Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đổi đời từ cây mít

(09:18:42 AM 23/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Mười năm qua, giống mít do ông Hồ Văn Lập mang về trồng, nhân rộng đã giúp gia đình ông và nhiều hộ trong vùng có nguồn thu nhập cao

Đường vào xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy - Tiền Giang bây giờ xanh ngợp màu lá mít. Giống mít đang được trồng khắp Cẩm Sơn và các vùng này kể cũng lạ, lá cứ xanh thẫm, tươi tốt vô cùng. Hai bên đường, trong các mảnh vườn vây quanh nhà, trên các mô đất được vun lên trên mặt ruộng, nhìn đâu cũng thấy mít. Rồi rải rác các vựa đầy ắp những trái mít căng tròn, thơm phức. Người mang vác, xe vận chuyển nhộn nhịp con đường quê. Và câu chuyện về người mang giống mít này về xã trồng cũng khá là thú vị.

 

“Liều mình” mà được việc

 

Ông Hồ Văn Lập, nhà ở ngọn con rạch Cầu Ván thuộc ấp 4, xã Cẩm Sơn, chính là “người tiên phong” ấy. Chuyện đến nhà bà con ở Đồng Nai chơi, được giới thiệu rồi “liều mình” mua giống về trồng cách nay vừa tròn 10 năm, giờ kể lại, ông Lập muốn nhắc một kỷ niệm về người cha vợ đã mất. Ông bồi hồi nhớ: “Lúc tôi nói muốn thử đổi mấy công đất trồng lúa, trồng táo hay thất bát sang trồng mít, biết đâu làm giàu, cha vợ cười bảo từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa nghe ai nói trồng mít mà làm giàu cả. Ông cụ nói vậy chứ cũng ủng hộ tôi trồng thử. Không ngờ, 10 cây mít con kết thổ nhưỡng vùng Cẩm Sơn, lớn nhanh như thổi, hơn một năm đã bắt đầu ra trái”.
 
 
Ông Hồ Văn Lập đang dùng bao lưới bảo vệ trái mít khỏi bị ruồi đục
 

Ngày trái mít đầu tiên chín thơm sực nức, cả nhà ông hồi hộp hạ trái xuống xẻ ra để... dòm thử. “Nhìn trái mít dáng thon thon, tròn căng ra từng ngày lòng đã thấy vui, nay xẻ ra thấy một màu vàng nghệ, toàn múi là múi, ai cũng mừng. Ăn thử thấy giòn giòn, ngọt thanh, biết không phải là loại mít tầm thường!”- ông Lập nói. Giống mít mới còn có lợi thế múi mít khô, cầm không bị mật dính tay, phù hợp với giới văn phòng, nhà hàng. Ông Lập mạnh dạn tiếp thị với thương lái. Thật bất ngờ, sau khi ăn thử, họ trả giá cao hơn mít thường 4.000 đồng/kg. Những lần sau, họ nâng giá và khuyến khích nhân giống, trồng nhiều hơn.

 

Tạo lập thương hiệu Việt

 

Vậy là từ năm 2004, 9 công đất trồng táo, nhãn không hiệu quả được ông Lập chuyển sang trồng mít. Ông cho biết: “Giống mít này mỗi công trồng từ 50 đến 60 gốc là vừa. Mỗi gốc có thể cho từ 150 đến 200 kg trái, tính ra mỗi năm thu hoạch được trên 5 tấn trái/công. Vừa rồi giá mít bán ra tại vườn là 14.000 đồng/kg; những tháng đầu năm bán được giá nhất, có khi lên đến hơn 25.000 đồng/kg”.

 

Ông Lập còn cung cấp mít giống cho bà con. Mỗi năm cơ sở mít giống Ba Lập của ông cung ứng cho thị trường khoảng 17.000 cây. “Tính ra tôi kiếm được hơn 400 triệu đồng/năm từ cây mít. Nhà cửa giờ đã khang trang, con cái có điều kiện học tập, tạo lập gia đình tốt cũng là nhờ mít” - ông Lập nói. Ông bảo khi còn sống, thấy con cháu tất bật cân mít bán cho thương lái, cha vợ ông đi ra đi vào, trong bụng thấy vui mà không nói ra. Rồi một lần, trong bữa cơm, ông cụ mới gật gù: “Công nhận từ cha sinh mẹ đẻ, cha mới thấy con là đứa đầu tiên làm giàu từ mít”. Lời khen ấy khiến ông nhớ mãi.

 

Đầu năm 2011 ông quyết định gửi đơn xin đăng ký quyền tác giả cho giống mít mới này. Đến tháng 9-2011, ông đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Giấy chứng nhận quyền tác giả cho cơ sở Mít giống Ba Lập. Ông vui vẻ nói: “Từ khi được công nhận thương hiệu Việt, mít Ba Lập ngày càng có tiếng. Đến mua mít của mình và ngay cả của những hộ trong vùng, thương lái thấy an tâm hơn và cũng không tìm cách ép giá. Vậy là tốt quá rồi!”.
 
 

ÔNG NGUYỄN VĂN ÚT, CHỦ TỊCH UBND XÃ CẨM SƠN:

 

Hơn 45 hộ thoát nghèo nhờ giống mít Ba Lập

 

Từ khi phát hiện giống mít phù hợp thổ nhưỡng Cẩm Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồ Văn Lập đã chủ động giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo bằng việc tặng cây giống, chỉ dẫn bà con cách trồng. Trong 10 năm qua, nhờ giống mít Ba Lập, đã có hơn 45 hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Đến nay, mô hình trồng mít Ba Lập vẫn còn sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với rất nhiều nông dân.

 

Bài và ảnh: THANH NHÀN (NLĐ)