Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các nhà thiên văn học ngày 19/12 cho biết rằng ngôi sao này khá gần, nằm cách chúng ta “chỉ” có 12 năm ánh sáng. Tau Ceti khá giống với Mặt trời của chúng ta và nó có 5 hành tinh bay lượn xung quanh, nằm trên các quỹ đạo có thể giúp nuôi dưỡng sự sống.
Một trong các hành tinh này có khối lượng lớn gấp 5 lần Trái đất, khiến nó trở thành hành tinh nhỏ nhất được tìm thấy tới nay nằm trong vùng Goldilock. Định nghĩa vùng Goldilock dùng để chỉ khoảng cách quỹ đạo của một hành tinh so với một ngôi sao, nơi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, chỉ vừa đủ để duy trì nước lỏng, vốn rất cần thiết cho sự sống.
Kể từ năm 1995 tới nay đã có 800 ngoại hành tinh - những hành tinh bay vòng quanh ngôi sao của chúng - được phát hiện.
Nhưng không một hành tinh nào trong số đó có thể hỗ trợ sự sống. Chúng hoặc là các quả cầu khí khổng lồ không thể sinh sống được, hoặc là một hành tinh đá khổng lồ, bay quá gần ngôi sao tới mức chúng gần như đã bị nướng đỏ lên.
Tau Ceti đã được các nhà thiên văn học ở Australia, Anh, Chile và Mỹ tìm thấy nhờ một kỹ thuật lọc dữ liệu thu được từ 6.000 đài quan sát thiên văn. Thông qua kỹ thuật lọc này, người ta sẽ loại bớt các tín hiệu gây nhiễu, vốn che đậy sự tồn tại của các hành tinh với khối lượng nhỏ.
Sử dụng kỹ thuật này với ánh sáng phát ra từ Tau Ceti, người ta đã xác định ra rằng nó không phải là ngôi sao đơn nhất mà là cả một hệ thống hành tinh.
"Phát hiện này tương đồng với quan điểm mới xuất hiện gần đây của chúng tôi rằng gần như mọi ngôi sao đều có các hành tinh và thiên hà hẳn đã có rất nhiều hành tinh có khả năng ở được như Trái đất " - Steve Vogt, một chuyên gia săn lùng ngoại hành tinh kỳ cựu nói.
"Chúng tôi giờ bắt đầu hiểu rằng Tự nhiên dường như ưa thích các hệ hành tinh có nhiều hành tinh mang quỹ đạo chỉ kéo dài chưa đầy 100 ngày" - ông tuyên bố trong một thông cáo báo chí mới được Đại học Hertfordshire của Anh công bố gần đây - "Nhưng Thái dương hệ của chúng ta lại không giống vậy và chẳng có hành tinh nào có quỹ đạo nằm gần Mặt trời hơn sao Thủy. Vì thế có thể nói Thái dương hệ của chúng ta tương đối kỳ dị và không giống phần lớn các hệ hành tinh khác mà Tự nhiên sinh ra."
Trong ngày 17/10, các nhà thiên văn học của châu Âu thông báo họ đã phát hiện một hành tinh với khối lượng bằng Trái đất, đang quay vòng quanh ngôi sao Alpha Centari B, nằm cách chúng ta có 4,3 năm ánh sáng.
Tuy nhiên hành tinh này không phải một "Trái đất khác" do nó không nằm trong vùng Goldilocks. Nó chạy vòng quanh ngôi sao với một cự ly quá gần nên nước lỏng không thể tồn tại được ở đó.