Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quang cảnh hội thảo sáng 30/5/2011 tại Hà Nội
Tham gia hội thảo có bà Cate Sumner, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về Giới, Luật pháp và Phát triển với bề dày 20 năm làm việc tại Trung Đông và Châu Á cho các tổ chức quốc tế và các cơ quan phát triển song phương hoạt động trong lĩnh vực tiếp cận tư pháp và cải cách tư pháp. Bà Cate Sumner đã thiết kế các hoạt động tập trung vào nhu cầu pháp lý của phụ nữ trong các lĩnh vực như lao động, gia đình, thừa kế, quyền nuôi con khi ly dị, hay bạo lực gia đình.
Bên cạnh bà Cate Sumner, các thành viên của Nhóm chuyên gia thường trực và các chuyên gia của ba cơ quan tư pháp bao gồm Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng chia sẻ kinh nghiệm và những quan điểm ở góc độ địa phương về các vấn đề Bình đẳng giới và Lồng ghép giới. Tất cả các phần trình bày, thảo luận và bài tập nhóm đều hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức cho cán bộ, chuyên viên của ba cơ quan tư pháp về các vấn đề về giới cũng như làm sao để nội dung lồng ghép giới được chú ý trong các chương trình và dự án của họ.
Ông Gilles Blanchi, Chuyên gia về Phát triển năng lực, Cố vấn trưởng của Nhóm Chuyên gia thường trực phát biểu: ’Lồng ghép bình đẳng giới là một chủ đề ưu tiên xuyên suốt của Chương trình Đối tác Tư pháp. Buổi hội thảo này được tổ chức với mục tiêu góp phần xây dựng năng lực cho các cán bộ, chuyên viên của ba cơ quan tư pháp đối tác Việt Nam, bảo đảm họ sẽ đưa những nội dung thúc đẩy bình đẳng giới vào kế hoạch hoạt động hàng năm và thiết lập cơ chế giám sát kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển Năng lực của mỗi cơ quan - những kết quả tập trung vào khía cạnh tăng cường cơ hội cho phụ nữ, các sáng kiến để cải thiện khả năng tiếp cận tư pháp của phụ nữ, và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của Bộ Tư pháp, Toàn án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.’
Làm sao để thu hẹp khoảng cách về số lượng giữa nam và nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong các bộ và các cơ quan tư pháp là một trong những câu hỏi được thảo luận trong chương trình hội thảo. Khoảng cách tuổi về hưu trong khu vực công giữa nam và nữ (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi) là một rào cản lớn ngăn phụ nữ tham gia vào các chương trình đào tạo cũng như các cơ hội thăng tiến lên những vị trí lãnh đạo. Đây cũng là một thực tế tồn tại trong các cơ quan tư pháp hay các cơ quan chính phủ hoặc khu vực tư nhân.
Tại Việt Nam cũng như một số quốc gia châu Á khác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần lớn đứng tên chồng – đây cũng là một rào cản đối với phụ nữ khi họ cần huy động vốn từ các khoản vay. Tại Việt Nam, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành trước năm 2003 chỉ mang tên người chồng, điều này hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng của phụ nữ đồng thời ảnh hưởng tới sự an toàn tài chính của họ trong các trường hợp ly dị hay thừa kế (ví dụ: khó khăn khi lập di chúc).
Bên cạnh những nội dung nói trên, vấn đề tăng cường năng lực và khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ cũng là những nội dung được đưa ra thảo luận trong hội thảo. Mô hình hỗ trợ pháp lý lưu động tới tận các vùng sâu vùng xa, miền núi sẽ là một bước đi quan trọng tiến tới đáp ứng nhu cầu pháp lý của phụ nữ người dân tộc. Mặt khác, các tài liệu giúp nâng cao nhận thức pháp luật được dịch ra tiếng địa phương và được sản xuất theo hình thức những sản phẩm nghe nhìn phát trên phát thanh, truyền hình cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiếp cận pháp lý của các đối tượng phụ nữ người dân tộc.
Được khởi động trong năm 2010, Chương trình Đối tác Tư pháp sẽ kéo dài đến tháng sáu năm 2015. Với ngân sách đầu tư 18,7 triệu euro từ Ủy ban Châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển, chương trình này hiện là dự án lớn nhất trong số các dự án nước ngoài hỗ trợ lĩnh vực tư pháp tại Việt Nam.