Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thanh tra chuyên ngành về môi trường yếu và thiếu

(11:27:43 AM 22/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Thanh tra chuyên ngành môi trường yếu về nghiệp vụ trong khi nguồn kinh phí ở các địa phương lại thiếu, vì vậy cần thiết kế tổng hợp để hình thành hệ thống thanh tra chuyên ngành ổn định từ trung ương đến địa phương – đó là kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá tính thực thi của một số văn bản pháp luật và đề xuất mô hình tổ chức, giải pháp tăng cường năng lực thanh tra chuyên ngành môi trường” do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 21/12 ở Hà Nội.


 Hội thảo “Đánh giá tính thực thi của một số văn bản pháp luật và đề xuất mô hình tổ chức, giải pháp tăng cường năng lực thanh tra chuyên ngành môi trường” do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 21/12 ở Hà Nội.- Ảnh: VEA

 

Theo lý giải của Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Vy,  do làm kiêm nhiệm, chủ yếu là công tác thanh tra đất đai kiêm môi trường, rất ít cán bộ ở các sở tài nguyên&môi trường được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường làm công tác thanh tra.

 

Về kinh phí, do hoạt động thanh tra môi trường cần phải có kinh phí để đo kiểm mẫu môi trường, tuy nhiên các nguồn kinh phí này tại địa phương rất hạn chế hoặc không có. Mặc dù được sử dụng kinh phí 1% sự nghiệp môi trường hoặc có Thông tư số 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT trích nộp tiền xử phạt nhưng đến nay nhiều địa phương chưa được trích, chưa tận dụng được nguồn kinh phí này.

 

Một trong những bất cập nữa được ThS Trần Thị Thu Hương, thanh tra Tổng cục Môi trường, đưa ra ở đây là Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 chưa quy định rõ cơ chếp phối hợp xử lý vi phạm giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt giữa cảnh sát môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước; giữa trung ương và địa phương, đảm bảo xử phạt nhanh chóng, đúng luật. Chưa quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Trong khi đó một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tương tự như nhau lại lại có khung hình phạt khác nhau. Ví dụ như hành vi “chuyển  giao chất thải nguy hại cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc bán, cho chất thải nguy hại cho tổ  chức, cá nhân không đủ điều kiện về quản lý, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại” thuộc khoản 3, điềi 18 phạt 70.000.000 đến 100.000.000 đồng. Trong khi hành vi tương tự “chuyển  giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức cá nhân không có đủ điều kiện quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại” ở điểm a, khoản 3, điều 19 lại có mức phạt từ 100.000.000 đến 150.000.000 đồng (đề nghị sửa mức phạt tại hai điều cho thống nhất).

 

Chính vì vậy, ông Vy đề xuất cần thiết kế tổng thể để hình thành hệ thống thanh tra chuyên ngành ổn định lâu dài từ trung ương đến địa phương. Cần có tổ chức thanh tra riêng đảm bảo hoạt động có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực, có trang phục, có đầy đủ chế độ chính sách, quyền hạn của thanh tra viên, thuộc hệ thống thanh tra nhà nước để hạn chế tiêu cực trong khi thi hành công vụ.

 

Do hoạt động thanh tra chuyên ngành phải đảm bảo phát hiện và xử lý nhanh các vi phạm hành chính hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, các vi phạm thường xảy ra ngoài giờ hành chính ở mọi nơi mọi lúc nên cần mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về thanh tra theo hướng giảm ràng buộc về thủ tục hành chính đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành.

 

Cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để hỗ trợ hoạt động thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính được nhanh chóng và thuận tiện.

 

Cần bố trí kinh phí để đảm bảo cho hoạt động thanh tra môi trường từ các nguồn kinh phí 1% sự nghiệp môi trường và trích nộp theo Thông tư liên tịch số 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT.

 

PGS.TS Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, nhấn mạnh về hệ thống thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương cần thiết được hoàn thiện về cơ cấu, trong đó bao gồm hệ thống thanh tra theo ngành dọc và số lượng đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát huy vai trò quản lý nhà nước của thanh tra chuyên ngành môi trường trên phạm vi cả nước.

Mạnh Cường (TMT)