Đứng xa xa đã thấy trên núi lô nhô đá nhỏ, đá to xen lẫn với bóng cây cổ thụ tuyệt đẹp. Đến gần là những khối đá xếp chồng bên nhau như thạch trận. Trên núi còn có hang thiên tạo với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên.
Ngoài ra, nơi đây vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX–X, trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ.
Trong Quảng Ngãi nhất thống chí có ghi: “Núi Phú Thọ, đông giáp cửa bể Cổ Lũy, tây liền với núi Bàn Cờ, nam giáp Vũng Tàu, bắc giáp sông Trà, Núi có những đá to mọc vút lên và nhọn trông như ngón tay chỏ lên. Đời Tự Đức đặt pháo đài ở đỉnh núi này để phòng giặc bể…”.
Từ lâu, Núi đá Phú Thọ đã trở thành điểm đến tham quan, ngắm cảnh, dã ngoại của du khách thập phương. Đầu năm 1993, núi đá này đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.
Thế nhưng, sau 20 năm được tôn vinh, thắng cảnh này đang bị biến thành một nghĩa địa khổng lồ với la liệt mồ mả.
Do địa phương chưa quy hoạch khu đất nghĩa địa nên người dân đã vô tư lấn chiếm di tích làm nơi an nghỉ cho người quá cố.
Quy hoạch tổng thể khu di tích Núi đá Phú Thọ có diện tích 11,9 ha, nhưng nay, theo thống kê, phần đất trống của di tích chỉ còn chừng 10%.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi từng chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, huyện Tư Nghĩa, xã Nghĩa Phú cần có biện pháp can thiệp kịp thời để “giải cứu di tích” Núi đá Phú Thọ đang từng ngày bị "người chết lấn chiếm”.
Núi Phú Thọ cao 60m so với mực nước biển, có thể nhìn bao quát cả một vùng hạ lưu sông Trà rộng lớn. |