Ông Nguyễn Duy Thành, ở thôn Năng An, bức xúc: “Trời hạn hán, thiếu nước tưới, chúng tôi phải tận dụng nhiều nguồn nước tiết kiệm được để làm đất chuẩn bị cho ngày xuống giống gieo sạ. Vậy mà mới đây, chẳng hiểu giống lúa hợp tác xã cung ứng kiểu gì mà không thấy nảy mầm đâu cả”.
Xã Ân Tín vỡ mộng cánh đồng mẫu lớn vì giống lúa "dỏm"
Theo nhiều người dân ở đây, trước khi gieo sạ họ đã thực hiện các bước ngâm ủ giống lúa đúng như chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật hợp tác xã và hướng dẫn in trên bao bì nhưng tỉ lệ nảy mầm rất thấp, dưới 50%. Đối với số lượng giống đã nảy mầm thì mầm lúa cũng rất yếu nên không thể gieo sạ được.
Ông Nguyễn Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín 2, cho biết vụ đông xuân 2012-2013, xã Ân Tín đăng ký thực hiện một cánh đồng mẫu lớn với diện tích 32 ha tại thôn Năng An.
Để chủ động nguồn giống gieo sạ, UBND xã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín 2 ký kết hợp đồng với Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (tỉnh Nghệ An) cung ứng 2 tấn giống lúa nguyên chủng NA2 để gieo sạ toàn bộ diện tích nói trên.
“Khi có tin báo của nông dân về việc giống lúa kém chất lượng, hợp tác xã đã đi kiểm tra và thực tế đúng như họ phản ánh. Chúng tôi đã điện báo cho đơn vị cung cấp giống về tình hình này. Để đảm bảo nông lịch, chúng tôi sẽ xuất giống lúa cấp I DV108 của hợp tác xã để nông dân gieo sạ kịp thời” - ông Thành khẳng định.
Người dân phải làm lại đất để gieo sạ giống lúa khác
Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết cũng đã chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín 2 thu hồi lại toàn bộ lượng giống NA2 chưa ngâm ủ, đã ngâm ủ và thống kê cả lượng giống đã gieo sạ. Ngoài ra, khẩn trương cung ứng đủ lượng giống mới và vận động nông dân ngâm ủ để gieo sạ kịp tiến độ.
“Sắp tới đây, Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 của huyện sẽ báo cáo UBND huyện, Sở NN&PTNT mời đơn vị cung ứng giống lúa làm việc để khắc phục hậu quả do chất lượng giống không tốt, làm ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất lúa của bà con”, ông Tề nói.