Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đà Nẵng: Quá tải nước thải y tế

(09:02:33 AM 16/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Không có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống này đã xuống cấp, quá tải, đang là tình trạng ở nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng. Điều này gây bức xúc cho người dân vì môi trường bị ô nhiễm.

 

 

Người dân tổ 23 (P.An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng) phải chịu đựng cảnh nước thải ô nhiễm từ Trung tâm Y tế Sơn Trà xả trực tiếp ra môi trường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

 

 

Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng phải tạm dừng đầu tư một số dự án xử lý nước thải y tế do ngân sách năm 2012 bị hạn chế.

 

Nước thải chảy ra đất

 

Ông Lê Văn Hương (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) chỉ tay ra hộc nước đen sì ngay trước nhà, bức xúc nói: “Nước thải từ trung tâm y tế quận ngày nào cũng đổ ra đây hôi hám. Chúng tôi kêu mãi mà cũng không thấu. Ô nhiễm thế này chắc chết sớm quá”. Theo hướng tay ông Hương chỉ, những dòng nước màu nâu sẫm từ Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đang tuôn chảy ra ngoài mặt đất.

 

 

Đến năm 2015 mới đúng chuẩn

 

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch quản lý chất thải y tế TP Đà Nẵng và kế hoạch quản lý chất thải các bệnh viện sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới là 61 tỉ đồng. Theo đó, lộ trình đến năm 2015, tất cả cơ sở y tế tuyến TP, các trung tâm y tế quận, huyện... trên địa bàn Đà Nẵng đảm bảo thực hiện tốt việc xử lý nước thải đúng quy định về vệ sinh môi trường.

 

Ông Nguyễn Văn Cúc - phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà - thừa nhận hệ thống xử lý nước thải, bể xử lý của trung tâm bị hư hỏng, vì thế nước thải không thể đảm bảo theo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

 

Theo ông Cúc, nước thải tại đây gồm hai loại: nước thải sinh hoạt, nước mưa và nước thải từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm... Nước thải chỉ xử lý hóa chất sau đó xả ra cho ngấm ra đất, do không có đường ống đấu nối với hệ thống thoát nước chung của TP.

 

Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cũng cho hay trước đây công suất xử lý nước thải tại đây chỉ đủ cho khoảng 100-150 giường bệnh, nhưng số giường bệnh tại đây luôn ở mức từ 200-300 giường gây ra tình trạng quá tải. “Trung tâm đã nhiều lần kiến nghị xin kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng đến cuối năm 2012 vẫn chưa được” - ông Cúc cho biết thêm.

 

Tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ chín năm qua cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Vừa qua, trung tâm kiến nghị cho bảo trì cả hệ thống bể lắng, bể xử lý, máy bơm... do đã “rệu rã”. Không chỉ xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải tại đây cũng đang bị quá tải.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cương - phó phòng tổ chức hành chính Trung tâm Y tế quận Hải Châu, công suất xử lý nước thải tại đây được thiết kế cho 150 giường bệnh nhưng thực tế đang phải “gồng” gánh cho gần 300 giường bệnh. Còn tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, theo giám đốc, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, hiện trung tâm đã có phòng xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, vi trùng, vi khuẩn...nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng để đảm bảo an toàn cho hệ thống xét nghiệm. Bác sĩ Thạnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã có ý kiến nhiều lần nhưng vẫn chưa được bố trí vốn cho hệ thống xử lý chất thải lỏng”.

 

Ngân sách hạn hẹp

 

Một lãnh đạo của Sở Y tế Đà Nẵng cũng xác nhận hệ thống xử lý nước thải của nhiều trung tâm y tế trên địa bàn đã hư hỏng nghiêm trọng, đường ống thấp hơn hệ thống thoát nước của thành phố nên không thể lưu thông được.

 

Trước tình hình này, tháng 8-2012 Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị UBND TP Đà Nẵng đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và Trung tâm Y tế dự phòng TP. Tuy nhiên, ngay sau đó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản trả lời: “Nguồn thu ngân sách TP năm 2012 hạn chế, hiện nay đang tập trung vốn để thanh toán cho các công trình trọng điểm.

 

Do đó chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và Trung tâm Y tế dự phòng TP. Thành phố sẽ xem xét, quyết định đầu tư trong năm 2013 hoặc các năm tiếp theo khi ngân sách thuận lợi”.

 

Ông Phạm Hùng Chiến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói để giải quyết tình trạng bức xúc về xử lý nước thải tại một số bệnh viện, trung tâm y tế, sở đã kêu gọi đầu tư vào sáu bệnh viện bằng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, hai dự án hệ thống xử lý nước thải tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và Trung tâm Y tế dự phòng TP đang rất cần được quan tâm đầu tư.

ĐOÀN CƯỜNG (TTO)