Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đại ca "bảo kê"... bãi rác

(21:38:35 PM 15/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Nam Sơn - bãi rác lớn nhất Hà Nội nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Mặc dù được coi là một trong những nơi bẩn nhất thành phố nhưng bãi rác này lại nuôi sống hàng trăm người nhặt rác và thu mua phế liệu.

 Kiếp nhặt rác vốn đã chẳng sung sướng gì thì bỗng một ngày họ lại thấy vài chục thanh niên xăm trổ rồng phượng, mặt mũi bặm trợn đến quấy phá. Chúng mở cổng sớm hơn giờ quy định để cho người nhặt rác tràn vào, đồng thời khống chế không cho các chủ lán vào phân chia bãi rác và phân chia phế liệu. Chúng tuyên bố: Bãi rác này thuộc về chúng, ai muốn kiếm ăn trên bãi rác này phải nộp tiền. Mỗi chủ lán thu mua phế liệu phải nộp mỗi tháng trên 2 triệu đồng tiền bảo kê.


Hai kẻ cầm đầu băng bảo kê này là Trần Văn Độ còn gọi là Độ “kim”, SN 1985, ở xã Trung Giã, Sóc Sơn và Đại “nho” (tức Nguyễn Văn Đại, SN 1982, ở xã Quang Tiến, Sóc Sơn). Hai “đại ca” này tụ tập dưới trướng hàng trăm đàn em đều thuộc loại cộm cán. Để có tiền nuôi đàn em và ăn chơi, Độ “kim” và Đại “nho” xua quân đi đòi bảo kê các hiệu kinh doanh ở Sóc Sơn. Không chỉ có vậy, hai gã này còn đứng ra mở sới bạc để thu tiền phế và đương nhiên chúng kiêm luôn việc đòi nợ thuê mỗi khi các con bạc chây ỳ với đám tín dụng trong sới. 

 


Trần Văn Độ

 

Thời gian gần đây, thấy lực lượng cảnh sát tấn công mạnh các sới bạc, nguồn thu nhập của Độ và Đại giảm đi trông thấy nên chúng bàn nhau tìm cửa kiếm tiền khác. Đánh hơi thấy bãi rác Nam Sơn có thể kiếm ăn được, Nguyễn Văn Đại đã cùng với đàn em thân thiết là Nguyễn Văn Hưng, SN 1987, ở xã Hồng Kỳ, tìm đến bãi rác Nam Sơn, nói với Nguyễn Mạnh Tùng, SN 1973, ở xã Hồng Kỳ, là Đội trưởng Đội bảo vệ bãi rác Nam Sơn để Tùng sắp xếp cho việc mở một lán thu mua phế liệu trong bãi rác. Bị Tùng từ chối, Đại sai Hưng gọi hàng chục tên đàn em đến bãi rác quậy phá. Chúng tự ý mở cổng để cho người dân tràn vào bới rác trước giờ quy định. Hai hôm sau, Đại gọi cho Độ để Độ tăng cường đàn em tới bãi rác tạo thanh thế đe dọa bảo vệ bãi rác và các chủ lán, nhằm không cho các chủ lán vào thu mua phế liệu. Trước rất đông người dân nhặt rác, Nguyễn Văn Hưng tuyên bố, các lán thu mua bãi rác từ bây giờ thuộc về hắn. Ngay sau đó, Đại giao cho Hưng quản lý 7 lán, Độ giao cho Thu quản lý 7 lán.


Mất cửa làm ăn, các chủ lán thu mua phế liệu liên hệ với Nguyễn Mạnh Tùng, là tổ trưởng tổ bảo vệ, nhờ Tùng móc nối cho gặp Đại và Độ để thương lượng được tiếp tục đi làm. Tại nhà Tùng, Đại tuyên bố, nếu muốn tiếp tục được làm chủ lán thì mỗi tháng phải cắt phế cho hắn 2,2 triệu đồng, thống nhất nộp 2 tháng một lần. Những chủ lán cũ đồng ý và hẹn đến chiều hôm sau sẽ nộp tiền. Tùng sẽ là người đứng ra thu tiền phế của các chủ lán nộp cho Đại, nhưng với điều kiện hắn sẽ cắt lại 300 ngàn đồng/người/tháng gọi là tiền an ninh. Sau đó, các chủ lán đã đến nhà Nguyễn Mạnh Tùng để nộp tiền 2 tháng (4,4 triệu đồng/người), tổng cộng họ đã nộp cho Tùng 22 triệu đồng. Nguyễn Văn Đại đã điều một tên đàn em khác là Nguyễn Thanh Tùng đến lấy tiền ở nhà tổ trưởng tổ bảo vệ Nguyễn Mạnh Tùng. Sau khi cắt lại 300 ngàn tiền an ninh mỗi người, tổ trưởng bảo vệ đã đưa cho Nguyễn Thanh Tùng 15,4 triệu đồng. Tùng cầm tiền về đưa cho Nguyễn Văn Đại.

Thiếu úy Nguyễn Huy Nam, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH công an huyện Sóc Sơn cho biết: Những nạn nhân của bọn Đại và Độ, đa số là những người lao động nghèo. Làm nghề thu mua phế liệu cực nhọc, thức đêm thức hôm trong không khí bị ô nhiễm trầm trọng, thế nhưng họ vẫn bị bọn bảo kê nặn bóp. Anh H – một trong những chủ lán cho biết, mỗi ngày thu nhập của anh chỉ được từ 100 đến 200 ngàn đồng. Thế nên, khi bị bọn Đại bắt nộp 2,2 triệu/tháng, anh H tìm khắp trong nhà chỉ có được 2 triệu, không đủ để nộp cho bọn chúng, anh buộc phải đi vay mượn.

Hận đám côn đồ đến xương tủy nhưng vì biết rõ máu côn đồ của nhóm bảo kê, các nạn nhân không dám hợp tác với cơ quan công an vì sợ bị trả thù. Sau khi họ đồng ý làm đơn tố cáo, việc lấy lời khai của bị hại cũng phải rất bí mật, vì nếu bọn Độ và Đại biết thì chúng sẽ đe dọa nạn nhân. Khi đã củng cố tài liệu chặt chẽ, Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản” và ra lệnh bắt tạm giam một số đối tượng, trong đó có tổ trưởng tổ bảo vệ Nguyễn Mạnh Tùng. Thấy động, Nguyễn Văn Đại đã bỏ trốn lên Thái Nguyên, nằm lỳ trong một nhà nghỉ cùng với cô bồ. Khi tổ công tác phối hợp với Công an Thái Nguyên tiến hành kiểm tra nhà nghỉ, Đại đã cố thủ trong phòng đến hơn 30 phút, buộc lực lượng vây bắt phải phá cửa xông  vào. Đến lúc đấy, Đại vẫn lỳ lợm không khai thật tên mình, hắn nói các anh Công an đã bắt lầm người vì tên hắn không phải là Nguyễn Văn Đại. Nhưng đó chỉ là trò mèo câu giờ của hắn, vì tấm chứng minh nhân dân hắn mang theo trong ví đã tố cáo lời khai gian dối của hắn. Còn Trần Văn Độ “khôn ngoan” hơn, tuy hắn đã bỏ trốn sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, nhưng sau đó vài ngày, Độ đã tự dẫn xác đến trụ sở Công an huyện xin được đầu thú.

Cho đến ngày 14-12-2012, cơ quan công an đã bắt tạm giam 6 đối tượng để phục vụ công tác điều tra.

Hồ Phương (CA TPHCM)