Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hít phải nước đái chuột cũng có thể nhiễm virút Hanta

(09:35:51 AM 15/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Chuột bị nhiễm siêu vi trùng Hanta có thể thải mầm bệnh qua nước tiểu, phân và qua viết cắn. Do những giọt khí dung bay lơ lửng trong không khí có chứa virút Hanta, người hít phải có thể bị nhiễm bệnh.

Chuột là loài động vật gặm nhấm không hề xa lạ với con người. Chúng xuất hiện ở khắp nơi từ gầm tủ, gầm bàn, thùng thóc, tủ bếp, cống rãnh… Ít ai ngờ con vật này là trung gian truyền nhiễm rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho tính mạng của con người.

 

Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, một chuyên gia về ký sinh trùng nhận định chuột là loài động vật ăn tạp, địa bàn hoạt động rộng nên thường bị nhiễm rất nhiều loại vi trùng, ký sinh trùng, virút, do đó chuột có thể phát tán nhiều mầm bệnh cho người. 

 


Bệnh do ký sinh trùng 

Người ta thường nghe nói bị bệnh do Angiostrongylus cantonensis. Đây là một căn bệnh phổ biến ở vùng châu Á, nhất là vùng Đông Nam Á, bệnh nhân bị viêm màng não do giun Angiostrongylus cantonensis gây ra. Loại giun trưởng thành này sống trong động mạch phổi của chuột, đẻ trứng, nở thành ấu trùng, ấu trùng theo phế quản lên khí quản rồi được nuốt xuống ruột, theo phân ra ngoài. Ấu trùng Angiostrongylus cantonensis sống ở đất ẩm, trên các nhánh lá rau, hoặc ở trong các vũng nước, ao hồ, sau đó bị các loài ốc nước ngọt nuốt vào. 

Người bị nhiễm phải ấu trùng trên khi ăn ốc nấu chưa chín, ăn rau sống, uống nước lã có chứa ấu trùng. 

Ngoài ra, tất cả vùng nông thôn Việt Nam đều có rất nhiều chuột sinh sống, cộng với môi trường vườn tược ẩm ướt là nơi rất lý tưởng cho giun Angiostrongylus cantonensis phát triển. 

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là nhức đầu ngày càng tăng, có gia tăng áp lực dịch não tủy. Bệnh kéo dài từ 2-4 tuần, thường tự khỏi, cũng có trường hợp năng gây hôn mê sâu, tổn thương não không hồi phục.

Không thể không kể tới Cryptosporidium sp, một loại ký sinh trùng dạng đơn bào. Hay gặp nhất là Cryptosporidium sp có tên Cryptosporidium parvum sống ký sinh trong ruột của chuột. Các nang trùng theo phân chuột ra ngoài, nằm trong đất ẩm hoặc rơi xuống nước, sẽ là mầm bệnh lây trực tiếp sang người nếu sử dụng nguồn nước bị nhiễm phân chuột. Ở nông thôn, nếu dùng bể chứa nước mưa nhưng không đậy kỹ, phân chuột rơi vào cũng tạo nên nguồn lây đáng kể. 

Nang trùng Cryptosporidium sp lây vào người qua đường miệng. Sau khi ăn hoặc uống nước có nhiễm nang trùng. Chúng sẽ di chuyển theo ống tiêu hóa xuống ruột non, cư trú ở đại tràng, làm tổn thương niêm mạc đại tràng và gây bệnh tiêu chảy nước ồ ạt, khó chẩn đoán, có thể tử vong đối với trẻ em hoặc người già.

Bệnh do vi trùng, virút

Chuột là nguồn chứa vi trùng, có thể truyền cho người gây nên nhiều vụ dịch hạch, từng làm chết hàng triệu người trên toàn thế giới. Dịch hạch cũng từng là mối đe dọa ở nước ta. Đặc biệt, chuột mang rất nhiều loại ve, rệp, gây dị ứng cho người nếu tiếp xúc gần. Ngoài ra khi bị chuột cắn có thể bị uốn ván, bị dại...

Mới đây, giới truyền thông rộ lên về thông tin bệnh nhân tử vong do nhiễm virút Hanta từ chuột. Bác sĩ Siêu cho biết virút Hanta là một loại siêu vi trùng, nhiễm ở loài chuột, chuột bị nhiễm siêu vi trùng này có thể thải mầm bệnh qua nước tiểu, phân và qua viết cắn. 

Nước tiểu chuột là nguồn lây nhiễm chính, do những giọt khí dung bay lơ lửng trong không khí có chứa virút Hanta. Người hít phải những giọt khí dung này có thể bị nhiễm virút Hanta. Biểu hiện của bệnh là sốt, có xuất huyết ngoài da giống bệnh cảnh sốt xuất huyết, vàng da vàng mắt bà tiểu ít, bí tiểu nếu có suy thận cấp kèm theo. Nhìn chung bệnh cảnh lâm sàng đa dạng từ nhẹ đến nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu suy thận cấp, xuất huyết.

Theo bác sĩ Siêu, y văn ghi nhận bệnh nhân nhiễm virút Hanta là bệnh lẻ tẻ, do không có sự lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác mà chỉ lây truyền từ nước tiểu, phân chuột sang người qua đường hô hấp. 

Tại TP.HCM, khoảng 10 năm nay chỉ ghi nhận có 3 trường hợp nhiễm virút Hanta, do đó bệnh này không gây thành dịch. Bệnh từ chuột lây sang người nói chung, bệnh do virút Hanta gây ra nói riêng, đa số đều qua các chất thải của chuột như nước tiểu, phân…

Do đó, bác sĩ Siêu khuyên người dân cần phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không để chuột phóng uế trong nhà, nhất là dưới gầm tủ, gầm giường hoặc trong các nhà kho (vì đây là nơi chứa chất thải của chuột rất nhiều có thể truyền mầm bệnh cho người).

Phải ngưng tạo nguồn thức ăn cho chuột bằng cách bỏ rác thải vào thùng rác có nắp, đóng kín và cho vận chuyển rác mỗi ngày. Dọn dẹp nhà cửa cho sạch, thoáng, không có chỗ cho chuột ẩn nấp thì sẽ hạn chế được chuột vào nhà phóng uế hoặc cắn người.

 

(Nguồn: VietNamNet)